Xe cứu thương chạy ngược chiều gây tai nạn, ai phải bồi thường?

Để biết người gặp tai nạn do xe cứu thương chạy ngược chiều có được bồi thường thiệt hại hay không, cần phải xác định được nạn nhân hay tài xế xe cứu thương có hành vi vi phạm...

Một trường hợp xe cứu thương gây tai nạn trên cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). (Ảnh minh họa)

Hỏi:

Tuần trước, em trai tôi chạy xe máy đúng làn, đúng tốc độ trên đường một chiều thì bị một xe cứu thương chạy ngược chiều va quệt vào, dẫn đến phải nhập viện. Tôi biết, xe cứu thương được phép chạy ngược chiều nhưng trong tình huống như vậy em tôi có căn cứ đòi bồi thường không?

Nguyễn Thu Lan (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời:

Luật GTĐB năm 2008 quy định về quyền ưu tiên của 5 loại xe: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang.

Luật cũng quy định, các loại xe ưu tiên nêu trên (trừ xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải đảm bảo có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, ở trường hợp bạn hỏi, xe cứu thương là xe ưu tiên và được phép đi vào đường ngược chiều.

Tuy nhiên, Khoản 5 Điều 4 Luật GTĐB quy định nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ như sau: người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác.

Do đó, tình huống bạn đưa ra, để biết em bạn có được bồi thường thiệt hại hay không cần phải xác định được em bạn hay tài xế xe cứu thương có hành vi vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ, gây ra thiệt hại làm em bạn bị thương.

Ví dụ, nếu xe cứu thương có hành vi vi phạm như đang làm nhiệm vụ cấp cứu mà không bật tín hiệu còi, đèn; cố tình không chú ý đến sự an toàn của người tham gia giao thông khi đang lưu thông trên đường; hoặc không đang làm nhiệm vụ nhưng vẫn phóng nhanh, đi vào đường ngược chiều, thì tài xế phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho em bạn khi gây tai nạn.

Còn nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của em bạn như: chạy quá tốc độ cho phép, không nhường đường cho xe cứu thương mặc dù xe cứu thương đã có tín hiệu còi, đèn báo thì em bạn không được tài xế xe cứu thương bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp cả hai cùng có lỗi gây ra tai nạn thì tài xế xe cứu thương chỉ phải bồi thường phần thiệt hại cho em bạn tương ứng với mức độ lỗi của mình theo Bộ luật Dân sự.

Thiệt hại được bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm các chi phí như: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...

Theo baogiaothong.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/an-toan-giao-thong/xe-cuu-thuong-chay-nguoc-chieu-gay-tai-nan-ai-phai-boi-thuong-281044.html