Xe cứu hỏa có nhiệm vụ cứu hộ tai nạn giao thông?

Xe cứu hỏa bị tai nạn trong vụ va chạm với xe khách chiều 18/3 khiến nhiều người thương vong trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ được xác định đang đi làm nhiệm vụ. Vậy, cứu hộ người bị tai nạn giao thông có thuộc phạm vi, nhiệm vụ của lực lượng này?

Cụ thể, vào khoảng 16h30 ngày 18/3, tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm, Đỗ Xá hướng Hà Nam- Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô khách và xe tải dẫn đến một số người bị thương và mắc kẹt trong xe cần cứu hộ, cứu nạn.

Vì vậy, sau khi nhận được tin báo, cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã điều động phòng Cảnh sát PCCC số 12 xuất 1 xe cứu nạn, cứu hộ và 7 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.

Không may trên đường đi thực hiện nhiệm vụ, xe cứu nạn cứu hộ của lực lượng PCCC đã xảy ra va chạm giao thông với một xe khách tại địa điểm gần trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) làm nhiều người thương vong.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa xe khách và xe cứu hỏa chiều 18/3.

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ thắc mắc liệu việc đi cứu hộ người bị TNGT có thuộc phạm vi hoạt động, nhiệm vụ của lực lượng PCCC hay không?

PV báo Người Đưa Tin đã trao đổi với luật sư La Văn Thái, đoàn luật sư Hà Nội về vấn đề này.

Theo luật sư Thái, trong trường hợp cụ thể ở đây, xe cứu hỏa thuộc phòng Cảnh sát PCCC số 12 đã nhận được lệnh từ cấp trên đi cứu hộ cho những người bị tai nạn tại khu vực trạm thu phí Vạn Điểm và đang trên đường đi đến nơi tai nạn xảy ra. Như vậy, xe của lực lượng PCCC ở đây đã có đủ các điều kiện của xe ưu tiên khi đang làm nhiệm vụ.

“Mặc dù là xe đủ điều kiện ưu tiên nhưng để xảy ra tai nạn thực sự rất đáng tiếc. Tôi cũng thiết nghĩ, lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ cũng cần rút kinh nghiệm sau vụ việc này”, luật sư Thái cho biết.

Cũng theo luật sư La Văn Thái, các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC hiện nay được quy định rất rõ tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 5, Nghị định số 83, lực lượng PCCC thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn dưới đây:

a) Sự cố, tai nạn cháy;

b) Sự cố, tai nạn nổ;

c) Sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối;

d) Sự cố, tai nạn sạt lở đất, đá;

đ) Sự cố, tai nạn có người bị mắc kẹt trong nhà; công trình; trên cao; dưới; sau; trong thiết bị; trong hang, hầm; công trình ngầm

e) Sự cố, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa khi có yêu cầu;

g) Tai nạn đuối nước tại sông, suối, thác nước, hồ, ao, giếng nước, hố sâu có nước, bãi tắm;

h) sự cố, tai nạn tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí;

i) Sự cố, tai nạn khác theo quy định của pháp luật;

Như vậy, theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 5, Nghị định 83/2017/NĐ-CP thì nhiệm vụ đi cứu hộ TNGT cũng là một trong những nhiệm vụ nằm trong phạm vi hoạt động của lực lượng PCCC.

Đ.Huệ

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/di-cuu-ho-tai-nan-giao-thong-co-phai-nhiem-vu-cua-xe-cuu-hoa--a363008.html