Xe có phép 'lép vế' trước 'xe trăm nghìn' (Kỳ I): 'Xe trăm nghìn' đại náo

Không trụ sở, không kê khai đăng ký, không nộp thuế,... hàng trăm phương tiện nhiều 'không' như vậy oanh tạc khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách được cấp phép điêu đứng.

Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hàng trăm xe tự do như vậy hoạt động rầm rộ, công khai với giá vé chỉ 100 nghìn đồng/người cho tuyến Hải Dương - Hà Nội và ngược lại. Điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hành khách truyền thống được cấp phép và đóng thuế đầy đủ.

Một "nhà xe" giới thiệu dịch vụ "xe trăm nghìn" trên mạng

Một "nhà xe" giới thiệu dịch vụ "xe trăm nghìn" trên mạng

“Xe trăm nghìn” hút khách

Anh Bùi Quang T. ở phố Nguyễn Lương Bằng (thành phố Hải Dương) cho biết, trước đây anh đi Hà Nội công tác phải di chuyển ra bến xe khách Hải Dương hoặc bến xe khách Hải Tân cách nhà gần chục cây số đón xe. Thế nhưng, gần 1 năm trở lại đây, anh chỉ cần ngồi nhà gọi số 0984.266… và 10 phút sau xe sẽ có mặt tại nhà. Giá vé chỉ 100 nghìn/người, dù đắt hơn xe khách một chút nhưng xe này đón tận nhà và trả tận nơi đến nên tiện lợi nhiều. “Mỗi ngày bên họ (nhà xe - PV) có 3 chuyến đi Hà Nội buổi sáng và 2 chuyến buổi chiều về. Ngược lại đầu Hà Nội cũng vậy” – anh T. cho biết.

Hiện, trên địa bàn Hải Dương có khoảng 20 “nhà xe” hoạt động theo mô hình "xe trăm nghìn" như vậy. Mỗi nhà xe có từ 10-20 xe và có thể huy động thêm xe nếu nhu cầu tăng. Không cần quảng cáo rầm rộ, các đội xe này thu hút khách chủ yếu bằng sự tiện lợi và giá cả. Các nhà "xe trăm nghìn" bung ra cũng là cơ hội để hành khách lựa chọn. Dù hoạt động tự do nhưng các đội "xe trăm nghìn" đã dần tạo thành vòng tròn khép kín để hỗ trợ nhau. Ví dụ, khách yêu cầu đón từ Hà Nội về Hải Dương nhưng đội này hết xe thì người điều hành của đội đó sẽ đề nghị xe của đội khác đến ghép khách.

Sự tiện lợi của "xe trăm nghìn" nổi bật hơn nhiều với các loại hình vận tải hành khách truyền thống. Hành khách liên hệ trực tiếp với lái xe, xe sẽ “đưa đón tận nhà và trả tận điểm”. Sau đó, người quản lý đội xe sẽ ghép khách và điều xe. Mỗi đội xe hằng ngày có 7 chuyến khứ hồi Hải Dương - Hà Nội, sớm nhất xuất phát từ Hải Dương lúc 5 giờ, muộn nhất đón khách từ Hà Nội lúc 17 giờ, mỗi chuyến cách nhau 2 tiếng.

Nếu xuất phát từ Hải Dương đi Hà Nội hoặc ngược lại, hành khách phải chi trả cho taxi truyền thống không dưới 700.000 đồng/lượt. Nhưng đi "xe trăm nghìn", giá vé đồng hạng là 100.000 đồng/khách/lượt. Nếu 1 người bao cả xe thì chỉ phải thanh toán 400.000 đồng/lượt.

Nếu đi xe bus, xe tuyến cố định, hành khách buộc phải đến các điểm chờ xe. Và khi xuống bến, khách lại phải đi thêm một chặng nữa hoặc nhờ người nhà đến đón thì đi "xe trăm nghìn" được đưa đón tận nơi. Vì thế, nhiều hành khách đi Hà Nội và ngược lại đã bỏ các xe truyền thống để sử dụng "xe trăm nghìn".

Doanh nghiệp được cấp phép lao đao

Trao đổi với báo Diễn đàn Doanh nghiệp bà Nguyễn Thị Quyên, giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Rồng Vàng cho biết, hiện nay trên địa bàn Hải Dương xe loại hình "xe trăm nghìn" quá nhiều. Hiện có tới hàng trăm xe được điều tiết bởi 4 nhóm chạy từ Hải Dương đi Hà Nội. Trước kia hãng chúng tôi có tới 10 hoặc 15 chuyến đi Hà Nội giờ chỉ còn 1 hoặc 2 chuyến gần như mất hết, vì giá xe một trăm nghìn quá rẻ.

“Trong khi đó mỗi chuyến đi Hà Nội hành khách phải trả cho xe 600 nghìn đến 700 nghìn một chuyến. Mỗi xe của công ty hằng năm đóng thuế 14,4 triệu đồng, thêm 2 lần kiểm định mỗi năm, tổng chi phí của 20 xe trên 300 triệu đồng, chưa kể tiền thuê địa điểm và nhiều chi phí khác. Trong khi "xe trăm nghìn" không phải đóng góp đồng tiền thuế nào. Đó không phải là xe taxi nên có thể 1 năm mới phải kiểm định nên họ dễ dàng giảm giá để cạnh tranh. Từ khi bị cạnh tranh bởi "xe trăm nghìn", doanh thu của doanh nghiệp giảm từ 60-70% mỗi tháng”, bà Quyên bức xúc cho biết.

Anh Sơn - hãng taxi Sơn Trường chia sẻ, ngành nghề kinh doanh của chúng tôi là nghành nghề kinh doanh có điều kiện, phải có đầy đủ quy định, thủ tục từ Cục đường bộ…đủ loại các quy chế thiết chặt các đơn vị kinh doanh vận tải trong khi đó các hãng xe kia thì để trôi nổi. Các hãng xe truyền thống thì nhà nước thì áp đặt nhiều thứ, trong khi đó loại hình “xe trăm nghìn” họ không bất kỳ một chi phí gì. Hiện tại tiền thuế một đầu xe taxi truyền thống cho Nhà nước 540 nghìn đồng/1 tháng chưa kể thuế môn bài hàng năm vì mỗi một xe đầu tư vào hãng đều phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó còn các loại bảo hiểm cho xe, cho người..., Vì vậy để hàng trăm “xe trăm nghìn” hoạt động tự do như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải, gây mất an ninh trật tự trật tự trên địa bàn, và thất thu rất nhiều thuế của Nhà nước.

Được biết, Công ty CP Dịch vụ và Thương mại Rồng Vàng và nhiều hãng taxi trong các cuộc họp với Sở Giao thông vận tải Hải Dương đã có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước do bị cạnh tranh không lành mạnh nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết nào được đưa ra.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin

Thu Hà – Trung Thành

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/xe-co-phep-lep-ve-truoc-xe-tram-nghin-ky-i-xe-tram-nghin-dai-nao-155963.html