Xe buýt đang đối mặt nhiều khó khăn

Đầu tuần qua, HĐND TPHCM đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe những tâm tư, bức xúc của Liên hiệp Hợp tác xã vận tải (LHHTXVT) TPHCM.

Đây là đơn vị hiện đảm nhận hoạt động xe buýt trên 55 tuyến, tương đương 45% số tuyến toàn TP và có số lượng phương tiện chiếm 60% số lượng xe buýt TP. Trong buổi làm việc này, rất nhiều khó khăn, trăn trở của đại diện các HTX xe buýt (thành viên của LHHTXVT TPHCM) đã được thẳng thắn nêu lên.

Hành khách giảm, gây khó cho hoạt động xe buýt TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ

Tụt giảm doanh thu

Ông Phùng Đăng Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị LHHTXVT TPHCM, cho biết từ năm 2013 trở về trước, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhìn chung rất tốt, sản lượng vận chuyển hàng năm đều tăng từ 5% - 10%. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà hiện nay điều này đã không còn nữa. Một trong những khó khăn là doanh thu tụt giảm, thậm chí giảm sâu. Nguyên nhân được xác định do tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên, khiến có đến 80% xe buýt không thể đảm bảo thời gian hành trình. Hệ quả của việc này khiến nhiều hành khách, đặc biệt đối tượng sinh viên học sinh, thay vì lựa chọn sử dụng xe buýt khi có nhu cầu đi lại, nay đã chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Từ đây xuất hiện vòng lẩn quẩn: phương tiện giao thông cá nhân càng tăng thì hạ tầng đường sá giao thông càng quá tải, xe buýt không thể chạy đúng giờ, để rồi kéo theo số lượng hành khách đi xe buýt giảm.

Ngoài ra, bên cạnh mức trợ giá xe buýt giảm dần qua những năm gần đây, giới hoạt động xe buýt gặp thêm khó khăn vì phải gánh nhiều khoản chi phí có phần không hợp lý. Ông Dương Văn Điều, Phó Giám đốc HTX Vận tải 28, bức xúc: “Xã viên HTX hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố đầu tư vào xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, tức khí nén CNG, thay vì chạy bằng dầu diesel, nhưng nay gặp phải trở ngại với loại phương tiện sạch này vì các trạm nạp khí CNG quá ít, mỗi lần đi nạp khí rất tốn kém. Chưa hết, khi vào khu vực nạp khí CNG, xe buýt còn phải tốn một khoản nữa gọi là phí bến bãi. Giới doanh nghiệp chúng tôi cho rằng điều này rất bất hợp lý vì đi đổ xăng mà còn phải trả thêm phí vào trạm đổ xăng!”.

Các HTX xe buýt cũng phản ánh lên HĐND TPHCM những bức xúc liên quan đến bến bãi dành cho loại phương tiện vận tải hành khách công cộng này. Cụ thể, trước đây các thành viên của liên hiệp HTX đều có bến để hoạt động, nhưng sau đó bến bị thu hồi nên xã viên phải tự đi thuê chỗ làm bến lưu đậu, dẫn đến chi phí tăng cao; chưa kể các bến cho thuê cũng không ổn định, phải thay đổi liên tục chỗ thuê bến. Khi bến bãi cho phương tiện chưa ổn định thì giới hoạt động xe buýt cũng không thể “lạc nghiệp” trong địa hạt vốn dĩ có nhiều nét đặc thù và đặc biệt tại một thành phố lớn nhất nước như TPHCM.

Cần sớm giải quyết vướng mắc

Thống kê của LHHTXVT TPHCM cho thấy, hiện có đến 70% số tuyến liên hiệp đang khai thác rơi vào tình cảnh mất cân đối thu chi. Trong đó 30% số tuyến doanh thu bán vé và trợ giá chỉ đủ để trả tiền nhiên liệu, tiền lương cho lái xe và tiếp viên; trong khi còn nhiều khoản chi phí tối thiểu khác như lãi vay ngân hàng khi đầu tư phương tiện, chi phí bến bãi, chi phí bảo trì - bảo dưỡng xe, chi phí cho bộ phận điều hành kiểm soát và quản lý. Khoảng 40% số tuyến không có nguồn bù đắp cho các khoản chi phí tối thiểu khác.

Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Giám đốc HTX Vận tải Quyết Thắng (đơn vị đang khai thác 5 tuyến xe buýt và có 60% hành khách là đối tượng sinh viên học sinh), cho biết cụ thể hơn, HTX Vận tải Quyết Thắng hàng tháng phải trả tiền lãi ngân hàng 17 triệu đồng, chi phí nhiên liệu 27 triệu đồng; chưa tính tiền lương cho người lao động, nhưng chỉ được nhà nước hỗ trợ 23 triệu đồng/tháng, dẫn đến hoạt động của HTX và xã viên ngày càng khó khăn.

Xã viên Hồ Thị Linh tâm sự: “Do hoạt động xe buýt ngày càng khó khăn, mất cân đối thu chi nên nhiều tháng nay tôi phải lấy tiền riêng để trả lãi vay ngân hàng. Tôi chỉ mong nhà nước sớm tháo gỡ những khó khăn của giới xe buýt”.

Theo LHHTXVT, với mức trợ giá dự kiến năm 2018 giảm hơn năm 2017 khoảng 150 tỷ đồng, những khó khăn mà các đơn vị xe buýt đang phải đối mặt sẽ càng nghiêm trọng hơn; thậm chí có thể dẫn tới vỡ hệ thống mạng lưới xe buýt đã được dày công xây dựng hàng chục năm qua trên địa bàn thành phố. Hiện đang xảy ra viễn cảnh, đơn vị khai thác xe buýt bỏ chuyến và trả tuyến, hoặc xe buýt phải căng kéo thời gian hoạt động do không được thay mới phương tiện kịp thời…

Tiếp thu những phản ánh của giới xe buýt thành phố, đồng chí Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HDND TPHCM, cho biết sẽ làm việc với các sở ban ngành liên quan để giải quyết những vướng mắc của xã viên trong thời gian sớm nhất.

THIỆN NHÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xe-buyt-dang-doi-mat-nhieu-kho-khan-538634.html