Xe bay sẽ cất cánh tại Nhật Bản từ năm 2020

Để chuẩn bị cho kế hoạch đột phá này, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn như Subaru, Uber và Boeing.

Xe bay được chính phủ Nhật Bản đưa vào chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Kế hoạch đặt ra là sau năm 2020, xe bay sẽ cất cánh trên các con đường của nước này, theo thông tin của tờ Automotive News.

Tháng trước, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đầy quyền lực của Nhật Bản bắt đầu triển khai dự án xe bay. Nhiều bộ liên quan, công ty và tập đoàn tư nhân được mời tham gia dự án tham vọng này.

Dự án xe bay được triển khai trong bối cảnh Nhật Bản lo ngại ngành công nghiệp ôtô bão hòa trước loạt xu hướng công nghệ mới như xe tự hành và dịch vụ xe công nghệ. Chính phủ Nhật Bản muốn đi đầu trong lĩnh vực phương tiện bay cá nhân.

Sợ bị thụt lùi, chính phủ Nhật Bản muốn đi đầu lĩnh vực xe bay.

“Đang có sự quan tâm đặc biệt với ‘xe bay’ trên quy mô toàn cầu. Nhật Bản không nằm ngoài xu hướng đó. Chúng tôi muốn đạt tốc độ phát triển nhanh hơn cho phương tiện chở người và hàng hóa này, đồng thời tạo ra ngành công nghiệp mới cạnh tranh và sinh lợi trên thị trường thế giới”, tuyên bố của METI.

Dù đề xuất xe bay đang được triển khai tại Nhật Bản, những mẫu thiết kế xe bay được đánh giá cao ở thời điểm này vẫn chưa thực sự an toàn khi di chuyển. Nó giống như phương tiện bay cá nhân nhiều hơn khi được trang bị cánh quạt giống máy bay trực thăng và chỉ đủ chỗ cho một hoặc hai người.

METI gọi phương tiện này là “kuruma bay” trong tài liệu tiếng Nhật, còn tài liệu tiếng Anh gọi là “phương tiện bay tương lai”.

Báo cáo của METI hướng sự tập trung vào các sự kiện và xu hướng lái xe tự hành, gồm cả đánh giá về mức độ tiến bộ của công nghệ phương tiện tự hành và điều kiện cần để triển khai.

“Thực ra, đó không phải là chiếc xe thông thường. Nó giống kiểu dịch vụ di chuyển nhiều hơn”, Bộ trưởng Hiroyuki Ushijima của METI nhận định.

Công ty Cartivatorcủa Nhật Bản muốn phát triển xe bay với sự trợ giúp của nhiều tên tuổi lớn trong đó có Toyota và Panasonic.

Trong khi đó tại châu Âu, tập đoàn hàng không Airbus hợp tác với Audi và Italdesign thiết kế concept Pop.Up, một dạng xe bay tự hành chạy điện trong đô thị. Hãng sản xuất xe thể thao hạng sang Aston Martin cũng đưa ra concept phương tiện bay cá nhân chạy điện ba chỗ ngồi riêng.

Hãng sản xuất xe Zhejiang Geely Holding Group (Trung Quốc), công ty mẹ sở hữu thương hiệu Volvo, cũng lập ra startup xe bay có tên Terrafugia tại Mỹ.

Còn Uber Technologies đang theo đuổi ý tưởng ra mắt dịch vụ taxi bay riêng có tên UberAir. Uber từng đề xuất sẽ bắt đầu thử nghiệm dịch vụ vào năm 2020.

Nhật Bản hy vọng thống nhất xong lộ trình xe bay vào cuối năm nay. Một số công ty tư nhân nước này muốn tham gia thương mại hóa dịch vụ xe bay từ năm 2020 trở đi nhưng chính phủ vẫn chưa quyết định thời gian cụ thể, ông Hiroyuki Ushijima cho biết.

Một mẫu xe bay của Cartivator.

Chính phủ Nhật Bản nhận định xe bay sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, cải thiện khả năng đi lại của người dân ở vùng sâu, vùng xa, các đảo bị cô lập và trợ giúp cứu hộ nhân đạo.

Tokyo đang muốn đẩy mạnh diễn đàn công nghiệp có tên “Public-Private Conference for Future Air Mobility” (tạm dịch: Hội nghị Công – Tư cho Phương tiện Bay Tương lai) nhằm đưa ra đề xuất công nghệ và các quy định cần có để triển khai dịch vụ.

Tham dự diễn đàn là Uber Japan, Airbus Japan, Boeing Japan, Subaru Corp., Japan Airlines, All Nippon Airways, NEC Corp và một số hãng sản xuất xe hơi.

Ngoài ra, không thể không nhắc tới sự góp mặt của công ty Cartivator (Nhật Bản), chuyên sản xuất phương tiện bay không người lái. Cartivator có tham vọng phát triển xe bay với sự hỗ trợ của nhiều tên tuổi như Toyota, Panasonic, Fujitsu, Aisin Seiki và Denso.

Gia Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xe-bay-se-cat-canh-tai-nhat-ban-tu-nam-2020-post875632.html