Xe bánh tráng nướng 'câm điếc' và câu chuyện phía sau của cặp vợ chồng Sài Gòn khiến nhiều người xót xa

'Tôi không thể nghe và nói, vui lòng chỉ tay chọn món' - những con chữ trên cái bảng được treo lên xe bánh tráng nướng như 'ôm trọn' cả 2 số phận kém may mắn. Nhưng cuộc đời thì vẫn cứ đẹp bởi đôi khi hạnh phúc chẳng cần phải có lời.

Câu chuyện về xe bánh tráng nướng không lời của đôi vợ chồng trẻ khiến nhiều người chú ý bởi sự đặc biệt về nhân vật và nguồn cảm hứng sống, vươn lên chính số phận trớ trêu của mình. Chúng tôi đến đường Vạn Kiếp thuộc quận Bình Thạnh để đi tìm lời giải đáp cho sự chú ý này: “Những người khó khăn họ đã bảo bọc nhau như thế nào?”.

Tại đây đôi vợ chồng trẻ cùng xe bánh tránh “im lặng” với hàng chục khách vây quanh và chờ đợi mang theo một câu chuyện đầy sự thú vị và lòng hoan hỉ.

Tay trái chị chủ lấy một miếng bánh tránh đặt lên vỉ nướng còn tay phải cùng lúc phết bơ lên trên chiếc bánh. Chị trải đều lên đó một muỗng thịt bằm, một chút ruốc và một chút hành phi khô. Cùng lúc, chị lấy hai quả trứng cút đập ra và dùng muỗng đánh đều chúng trên mặt chiếc bánh tráng, đến khi mọi thứ dính đều lại với nhau chị cho lên trên chút hành lá và một lớp chà bông theo yêu cầu của khách, chị dùng quạt giấy quạt cho lửa đỏ rồi liên tục xoay cho bánh chín đều sau đó ra hiệu cho một thực khách ở phía ngoài “bánh của anh đã gần chín rồi”.

Những chiếc bánh tráng nướng “im lặng”.

Những chiếc bánh tráng nướng “im lặng”.

Cứ thế, chị liên tục làm được mấy cái bánh tráng đầy đủ hương vị. Bên cạnh chị, anh chồng cũng đang tất bật đập vỏ trứng cút rồi đổ vào những cái khay bánh đã được phết bơ nóng. Anh này cũng thoăn thoắt cho thịt, hành, phô mai vào bên trong để bánh kịp chín.

Cả hai vợ chồng cẩn thận gói bánh tráng vào những cái bao giấy, còn bánh trứng được để riêng trong hộp xốp có cả sốt và tương rưới trên cùng một chút chà bông gà. Cả hai trao cho khách với cái gật đầu cảm ơn đầy sự biết ơn và thân mật.

Hết lượt khách này đến lượt khách khác, cứ như thế xe bánh tráng của anh Lê Trường Sơn (43 tuổi, Quảng Ngãi) và chị Lê Thị Mộng Thúy (37 tuổi, Đồng Nai) vơi đi dần dần.

Mặc dù cả người bán và người mua đều không nói với nhau câu nào nhưng chẳng ai khó chịu, sự yên lặng bình dị và thấu hiểu trong cử chỉ của người Sài Gòn lúc này rất đáng yêu. Thoạt đầu có lẽ ai cũng sẽ thắc mắc với cách buôn bán im bặt này nhưng khi nhìn thấy dòng chữ: “Tôi không thể nghe và nói, vui lòng chỉ tay chọn món”, câu chuyện đã dần được hiểu ra.

Xe bánh tráng “lặng im”.

Anh Sơn và chị Thúy là những người khiếm thính, không nghe, không nói được.

Để trang trải cuộc sống, anh chị chỉ có mỗi xe bánh tráng nướng rong ruổi đi khắp các con đường, ngõ hẻm của Sài Gòn. Thời gian vừa qua anh chị phải chuyển chỗ ở nên xe bánh tráng được đưa về đường Vạn Kiếp thuộc quận Bình Thạnh để ngụ bán.

Mỗi ngày cả hai vợ chồng đều phải dậy từ lúc 4 - 5 giờ sáng để đi chợ mua nguyên liệu. Sau khi cho các con đến trường, anh chị dành thời gian chuẩn bị xào thịt, cắt hành lá, xếp trứng, than lên xe… Mọi âm thanh, nhịp điệu của cuộc sống đều diễn ra trong không gian căn nhà trọ tối om.

Chẳng phải bằng những lời nói ngọt ngào hay hoa mĩ, anh Sơn đến và ở bên cạnh chị Thúy bằng tình cảm chân thật, thấu hiểu nhau giữa những người đồng cảnh ngộ. Cả hai đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, quen nhau được 5 năm trong trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở Bình Dương, sau khi lấy nhau, bằng sự bảo bọc và che chở của anh Sơn, chị Thúy dần có niềm tin vào cuộc sống nhiều hơn và đến nay họ đã có được 2 đứa con kháu khỉnh, có thể nghe, nói được bình thường. Con trai lớn của anh Sơn và chị Thúy tên Lê Minh Quân năm nay đã lên 5 tuổi còn cô con gái nhỏ vừa lên 2 tuổi là Lê Ngọc Hà.

Việc dạy con ở thời điểm vừa đi học và nói bập bẹ những tiếng ban đầu có lẽ sẽ rất khó khăn với đôi vợ chồng trẻ không nghe, không nói được. Anh Sơn luôn cố gắng dạy cho cậu con trai 5 tuổi những ký hiệu giao tiếp bằng cử chỉ để cậu có thể trò chuyện với cha mẹ.

Có lẽ chẳng có khó khăn nào dai dẳng và bất lực như khó khăn của một người vừa không nghe được, vừa không nói được. Những thứ họ cảm nhận từ cuộc sống được thông qua đôi mắt và cử chỉ. Thời gian gần đây, mắt anh Sơn yếu nên việc nhìn màn hình điện thoại cũng rất khó khăn, mọi giao tiếp đều được chúng tôi thực hiện qua ngòi bút và trang giấy với người vợ.

Không bằng cách này thì sẽ là cách khác, anh Sơn giao tiếp và dạy lại con trai những ký hiệu tay đơn thuần hoặc viết ra giấy, điều tưởng chừng phải đủ kiên nhẫn lắm nhưng cuối cùng ông bố trẻ cũng khiến nhiều người nể phục.

Anh Sơn cần mẫn và chăm chỉ.

Chẳng ai hỗ trợ điều gì, mọi công việc đều do hai vợ chồng tự học làm trên mạng sau đó đi bán từ nơi này sang nơi khác.

Nếu như những người khác chỉ cần cố 1 phần để bù lại sự khó khăn của họ thì anh Sơn chị Thúy phải cố đến 10 phần, thế nhưng từ cách họ tiếp nhận và vươn lên chính số phận đáng để người ta khâm phục bội lần.

Bảo Trân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/vo-chong-cam-diec-o-xe-banh-trang-khong-loi-sai-gon-de-thuong-qua-5463099.html