XDNTM ở Văn Bàn: 10 năm nỗ lực giúp dân làm kinh tế

Hôm nay (7/8), huyện Văn Bàn (Lào Cai) tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2010-2020.

Văn Bàn là huyện miền núi, địa hình đồi núi phức tạp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu. Huyện có 19/22 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nên xuất phát điểm xây dựng nông thôn rất thấp.

Cho đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều xã còn khó khăn nhất là đường giao thông đòi hỏi phải huy động đóng góp lớn, do đó rất khó khăn trong việc huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Xác định rõ thách thức và tạo ra những lợi thế về nguồn lực thực hiện XDNTM, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM & GNBV huyện Văn Bàn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nhân dân; Phát triển giao thông nông thôn...

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, phát triển sản xuất, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác được triển khai quyết liệt trên toàn huyện. Điển hình là Võ Lao, xã thuần nông với diện tích đất nông nghiệp 470 ha chuyên trồng lúa nước, tạo nguồn thu nhập chính cho hơn 80% hộ gia đình.

Sau khi người dân chuyển đổi hình thức sản xuất trên diện tích đất trồng lúa 2 vụ chính (vụ Chiêm xuân và vụ Hè thu) sang tăng cường phát triển cây trồng vụ đông đã từng bước đưa sản xuất vụ đông thành một vụ chính trong năm, diện tích từ 135 ha năm 2011 đến Năm 2018 đã tăng lên 423 ha với đối tượng gieo trồng ngày càng phong phú. Trong đó, có 300 ha là ngô hàng hóa, năng suất ước đạt 37 tạ/ha và 40 ha ngô dầy để phục vụ làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Nhờ đó, người dân đã chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa rét, cùng với xây dựng chuồng trại cho đàn gia súc những năm qua xã không còn tình trạng trâu bò chết trong mùa đông.Thu nhập bình quân hàng năm của nhân dân năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cây vụ đông đã giúp người dân Văn Bàn ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập

Cây vụ đông đã giúp người dân Văn Bàn ổn định kinh tế, nâng cao thu nhập

Cũng nhờ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân, thực hiện các tiêu chí như thu nhập trên một đơn vị diện tích ha canh tác, thu nhập bình quân đầu người, nhà ở, tỉ lệ hộ nghèo… và kịp thời nắm bắt tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại cơ sở mà Đảng bộ, chính quyền xã Vân Sơn đã có những thành tựu đáng nể khi có 4/10 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu với 100% các tuyến đường của thôn đã được bê tông hóa. Hơn 90% số hộ trong các thôn đã có nhà ở đạt tiêu chuẩn của bộ xây dựng, 100% số hộ có và sử dụng 3 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định.

Tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa, người dân tham gia bảo hiểm y tế của mỗi thôn đạt từ 90,% trở lên. Tỉ lệ hộ nghèo của 4 thôn còn dưới 3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 40 triệu đồng/người/năm trở lên. Môi trường đảm bảo sạch sẽ, cơ sở hạ tầng khang trang, an ninh trật tự luôn được giữ vững.

Mô hình nhà sạch, vườn đẹp đang được thực hiện ở nhiều xã trên địa bàn huyện

Sức lan tỏa mạnh mẽ trong XD NTM từ cơ sở, toàn huyện Văn Bàn đã công nhận được 32 thôn đạt thôn NTM, 8 thôn đạt chuẩn thôn Kiểu mẫu. Tổng số tiêu chí đạt 280 tiêu chí/22 xã, bình quân đạt 12,73 tiêu chí/xã, tăng 166 tiêu chí so với kết quả bắt đầu thực hiện Chương trình XD NTM (năm 2011), tăng 95 tiêu chí so với kết quả thực hiện đến hết năm 2015.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 37,2 triệu đồng/người/năm (tăng 23,95 triệu đồng so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 ước còn 15,45% (giảm 35,65% so với năm 2011). Kết cấu hạ tầng nông thôn có những bước phát triển rõ rệt, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cấp điện, trường học, trạm y tế, chợ, các công trình xử lý môi trường. 100% các xã đã đạt chuẩn về tiêu chí quy hoạch nông thôn mới; 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, 95,5% các xã có đường BTXM, đường Apphan đến trung tâm xã, 100% các thôn bản có đường xe máy, ô tô đến trung tâm các thôn bản.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập cho nhân dân được triển khai hiệu quả như: Cánh đồng một giống, lúa chất lượng cao, phát triển cây ăn quả có múi, sản xuất tăng vụ đông, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt nhờ vào việc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ từ huyện đến xã những năm qua đã có nhiều Tập đoàn, công ty lớn triển khai liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân như: Cây Gai Xanh, Gạo nếp Thẩm Dương, Cây Khoai Tây, Chanh Leo…. Sắp tới huyện đang tạo mọi điều kiện để thu hút Tập đoàn TH true MILK vào đầu tư trên địa bàn huyện.

Trong 9 năm Văn Bàn đã huy động được 726,798 tỷ đồng tiền xã hội hóa từ nhân dân, trên 2.454 nghìn ngày công lao động, đóng góp tiền mặt 2.929 triệu đồng để xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tính đến tháng 8 năm 2019, huyện có 08/22 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, tăng 08 xã so với kết quả thực hiện năm 2010, tăng 06 xã so với kết quả thực hiện hết năm 2015.

Đến nay, diện mạo mới nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy.

Đánh giá cao những đổi thay trong quá trình XD NTM ở Văn Bàn, Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám Đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo chương trình MTQG XDNTM & GNBV tỉnh Lào Cai cho biết: “Có thể nói, Văn Bàn là một trong 3 huyện của tỉnh Lào Cai đạt được kết quả cao trong XD NTM với những chuyển biến rõ rệt và toàn diện trong đời sống của bà con nhân dân.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy và duy trì những tiêu chí đã đạt được, Đảng bộ và Chính quyền, đặc biệt là người dân trong huyện cần phải nỗ lực, năng động hơn nữa trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhất là ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt là quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nhằm gia tăng giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đây chính là nguồn lực đáng kể nhất để Văn Bàn tự tin đặt mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2025”.

Nguyên Hoa

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/xdntm-o-van-ban-10-nam-no-luc-giup-dan-lam-kinh-te-post29761.html