XDNTM ở ĐBSH và BTB: Nhiều cách làm sáng tạo

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc Trung Bộ (BTB) được coi là nơi hội tụ những điểm sáng nhất của cả nước trong thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) 10 năm qua.

NTM đã tác động tích cực đến cơ cấu sản xuất, lao động khu vực nông thôn, đẩy mạnh công tác giảm nghèo.

Trồng cây dược liệu ở Pù Mát (Nghệ An).

Trồng cây dược liệu ở Pù Mát (Nghệ An).

Tuy nhiên, XDNTM ở 2 vùng trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: ô nhiễm môi trường nông thôn, sử dụng tài nguyên đất đai chưa hợp lý, tình trạng “bê tông hóa” nông thôn, gắn kết cộng đồng lỏng lẻo…

Thôn, bản NTM ở Nghệ An

Bạn sẽ rất ấn tượng khi đến với thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê (Con Cuông), nơi mà dọc hai bên đường gần một cây số là hàng hoa chiều tím được trồng san sát. Con đường hoa này như thay cho lời mời gọi của người dân địa phương đến với Quyết Tiến – thôn đầu tiên của Con Cuông được công nhận đạt chuẩn NTM.

Trưởng thôn Quyết Tiến Nguyễn Thế Thanh cho biết: Ấn tượng nhất chính là khu “liên hiệp” sản xuất cây dược liệu Pù Mát. Mô hình chỉ mới đi vào hoạt động hơn ba năm nhưng bằng sự sáng tạo, dám đổi mới, người dân nơi đây đã biến những khu đất hoang thành vùng cây dược liệu có giá trị, chất lượng cao theo mô hình khép kín và áp dụng công nghệ cao với đa dạng các loại cây dược liệu quý như: Dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam, đinh lăng, mướp đắng rừng...

Quyết Tiến cũng là một trong những địa phương tiên phong trong phát triển giống cam của vùng. Sau 5 năm triển khai, những mùa thu hoạch đầu tiên đã đem về quả ngọt. Bà Nguyễn Thị Hà hồ hởi khoe vườn cam rộng gần 1ha của gia đình – nơi mỗi năm cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng. Cũng từ vườn cam này, ông bà đã nuôi con cái học hành thành tài, có cuộc sống ổn định.

“Nhờ kinh tế phát triển, khi có chủ trương chỉnh trang, xây dựng nhà văn hóa thôn, người dân thôn Quyết Tiến tự nguyện đóng mỗi hộ ít nhất 500 ngàn đồng và góp thêm nhiều xi măng, cát sỏi, công sức...”, Trưởng thôn Nguyễn Thế Thanh hồ hởi nói.

Bản Bãi Gạo thuộc xã biên giới Châu Khê (Con Cuông) có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Nguồn thu nhập chính của bà con trông chờ vào sản xuất nông nghiệp. Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng của bản chưa hoàn thiện. Bởi vậy, năm 2018, sau khi đăng ký đạt chuẩn NTM, Ban Quản lý bản đã tổ chức họp dân để cùng bàn bạc, quyết tâm thực hiện.

Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã đã xuống từng hộ dân để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con làm tường rào, chỉnh trang nhà cửa. Về phát triển kinh tế, ngoài chuyên canh cây mía, người dân bản Bãi Gạo còn chú trọng phát triển chăn nuôi, thành lập các tổ, nhóm xây dựng giải quyết việc làm cho hàng chục lao động của bản.

Trưởng bản Bãi Gạo Lô Văn Hùng phấn khởi cho biết: Hiểu được ý nghĩa của Chương trình XDNTM, dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con ai cũng đồng thuận góp công, góp sức thực hiện các tiêu chí. Đến nay, thu nhập của người dân bản Bãi Gạo đạt 28 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm xuống còn 10/96 hộ.

“Điều quan trọng trong quá trình hỗ trợ các thôn, bản XDNTM, chúng tôi chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn”, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng chia sẻ kinh nghiệm.

Nông dân ĐBSH thu nhập 43,3 triệu đồng/người/năm

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Khu vực ĐBSH và BTB là vùng rất đặc biệt, rất đặc trưng và rất đặc thù. Toàn vùng có 11 tỉnh đại diện cho vùng đồng bằng, 6 tỉnh BTB, có khu vực miền núi. Toàn vùng cũng có tỉnh rộng nhất, tỉnh nhỏ nhất toàn quốc, có Thủ đô Hà Nội.

Đến hết tháng 7/2019, hai vùng đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Thu nhập ở khu vực nông thôn ĐBSH là 43,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần, tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước (chiếm 1,7%); thu nhập người dân nông thôn ở BTB tăng 2,4 lần so với trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 20% (năm 2010) xuống còn 6,03% (cuối năm 2018).

Thanh Hóa, Nghệ An là những địa phương đầu tiên triển khai XDNTM cấp thôn, bản và mô hình này đang được nhiều tỉnh miền núi tập trung triển khai nhằm thay đổi nhanh đời sống vật chất, tinh thần của người dân và huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Nhiều sáng kiến hay

Nhiều sáng kiến trong sinh kế tại 2 vùng đã được thực hiện như chính sách bảo tồn cho người dân vùng đệm ở Tiên Yên (Quảng Ninh), việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Trị, chính sách hỗ trợ nuôi tôm ở Phá Tam Giang (Thừa THiên - Huế), du lịch nông thôn, xử lý nước thải- chất thải, mã vùng nông nghiệp,...

Là tỉnh có công nghiệp khai khoáng phát triển, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, công nhân ngành than gặp khó khăn khi ngành than gặp biến động thị trường nhưng đời sống sản xuất của nông dân thì ổn định và phát triển nhờ nhiều mô hình hay.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Ngô Gia Tự nêu nhiều sáng kiến trong huy động và tổ chức các hội đoàn thể, nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan khu vực nông thôn.

Tại địa phương còn nhiều khó khăn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư cho các xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển; ưu tiên kinh phí để người dân làm du lịch ở miền núi, vùng biển đảo để đa dạng sinh kế cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nêu bài học 5 nguyên tắc cho XDNTM là gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập người dân; tập trung nâng cao dân trí; xây dựng môi trường sạch, đẹp, xanh tươi, giữ được bản sắc làng quê; XDNTM là quá trình liên tục và sớm thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, thành thị.

Nơi tìm tòi những vấn đề mới

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà ĐBSH và BTB đạt được trong XDTNM. Theo ông, đây là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về XDNTM của cả nước trong những năm qua.

Khu vực này cũng là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; XDNTM cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định…

Theo Phó Thủ tướng, khu vực này đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung XDNTM cho giai đoạn sau năm 2020 như: Du lịch nông thôn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư; xây dựng mã vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…

Phó thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong XDNTM, với tinh thần: XDNTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM có thể dẫn đến sao nhãng công việc. Do đó, các tỉnh ĐBSH và BTB cần phải tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của cả nước, không ngừng đổi mới, đưa ra nhiều sáng kiến, cách làm hay để phổ biến, nhân rộng.

Vùng ĐBSH và BTB bao gồm Thủ đô Hà Nội và 16 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích 72.371,4 km2 (chiếm 21,85% diện tích cả nước), dân số khoảng 31.685.300 người (chiếm 34,18% dân số cả nước, năm 2017).

Mục tiêu XDNTM đến năm 2025, vùng ĐBSH và BTB có ít nhất 8/17 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Vùng ĐBSH có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; vùng BTB có ít nhất 30%đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Toàn vùng có ít nhất 9 huyện NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, toàn vùng có 85% số xã đạt chuẩn NTM và khoảng 7,5% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…

Vân Nhi

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/xdntm-o-dbsh-va-btb-nhieu-cach-lam-sang-tao-post30103.html