Xây tượng đài trăm tỷ cho ai?

Kế hoạch xây dựng Đài vinh danh Công trình truyền tải điện 500 kV Bắc Nam với số vốn 108 tỷ đồng tuy đã bị EVN bác bỏ nhưng dư luận vẫn chưa hết xôn xao vì những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

"Nóng" chuyện tượng đài

Trong khi dư luận vẫn chưa hết choáng váng vì những công trình tượng đài nghìn tỷ, trăm tỷ bị bỏ hoang, xuống cấp diễn ra trên địa bàn cả nước thì mới đây, Tổng công ty Truyền tải quốc gia (EVNNPT - trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam, EVN) lại gây sốc khi tuyên bố sẽ bỏ ra 108 tỷ đồng để làm Đài vinh danh Công trình truyền tải điện 500 kV Bắc Nam.

Theo kế hoạch thì đài tưởng niệm sẽ được khởi công xây dựng cuối năm 2016 và hoàn thành trong năm 2017, trên diện tích hơn 1,4 ha tại Công viên văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai (TP. Pleiku). Cụm tượng sẽ cao 9m, bệ tượng cao 0,6m bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa. Phía sau cụm tượng sẽ là phù điêu chạy dài 63m làm nền cho cụm tượng. Bên cạnh đó còn có hệ thống nhà đa năng gồm các gian tưởng niệm, tiếp khách, trưng bày…

Lãnh đạo EVNNPT cho biết, dự án này được xây dựng nhằm tưởng niệm 250 cán bộ, công nhân viên đã tử nạn trong quá trình xây dựng đường điện 500 kV Bắc Nam lịch sử. Nguồn tiền xây dựng sẽ được lấy một phần từ Quỹ phúc lợi của tổng công ty và đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác.

Dự án cũng được báo cáo với lãnh đạo tỉnh Gia Lai và được chấp thuận xây dựng. Ấy nhưng ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trả lời báo chí mới đây cho hay: “Tổng công ty truyền tải quốc gia (EVNNPT) chưa đề xuất dự án này lên tập đoàn và nếu có đưa lên thì EVN cũng không duyệt”.

EVN liệu có phương án xây dựng Đài vinh danh Công trình truyền tải điện 500 kV Bắc Nam? (Ảnh minh họa)

EVN liệu có phương án xây dựng Đài vinh danh Công trình truyền tải điện 500 kV Bắc Nam? (Ảnh minh họa)

Rõ ràng trong thời điểm hiện nay, việc xây tượng đài gây rất nhiều tranh cãi. Không nói đâu xa, tượng đài mẹ Suốt (ở tỉnh Quảng Bình, được đầu tư xây dựng hơn 400 tỷ đồng) khánh thành không lâu thì đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Trong khi học sinh nghèo vùng cao của chính tỉnh này vẫn phải đu dây đi học.

Hay cụm công trình tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) hơn nghìn tỷ bị bỏ hoang, xuống cấp vẫn còn là những bài học đầy tính thời sự. Vì thế nhiều người đặt câu hỏi, ai cần tượng đài 108 tỷ để ngửi mùi “hương khói”? Ngành điện, tỉnh Gia Lai hay vong linh 250 người đã khuất?

Nhiều người đang hiểu nhầm khái niệm "hoành tráng"

Hơn nữa việc đua nhau xây dựng công trình, tượng đài nghìn tỷ nói lên cái gì? Sự thành tâm của thế hệ sau? Sự chứng tỏ tiềm lực kinh tế địa phương, kinh tế ngành? Hay là sự phô trương không cần thiết?

Trao đổi với PV báo Người đưa tin, nhà điêu khắc Trần Thanh Nam (hội Mỹ thuật TP. HCM) cho biết: “Trong lĩnh vực của chúng tôi có chuyên ngành điêu khắc hoành tráng (gồm công trình, phù điêu, tượng đài …). Đối với nhiệm vụ chính trị nói chung, điêu khắc hoành tráng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tưởng niệm và tôn vinh, giúp thế hệ sau biết và tự hào về quá khứ.

Vì thế việc xây dựng công trình tưởng niệm không có gì là sai. Ấy nhưng nhiều người hiện nay đang hiểu sai về khái niệm hoành tráng. Điêu khắc hoành tráng phải mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, giáo dục … và phải phù hợp với không gian xung quanh. Điêu khắc hoành tráng không có nghĩa là phải to, hùng vĩ, phải bỏ ra cả trăm tỷ, nghìn tỷ để xây dựng”.

Nhà điêu khắc Trần Thanh Nam cũng nhận định: “Chúng ta có thể xây dựng được những công trình đảm bảo các tiêu chí của điêu khắc hoành tráng với số tiền nhỏ hơn rất nhiều. Đó có thể là một bia tưởng niệm, một hình ảnh mang tính biểu tượng cao … Số tiền còn lại chúng ta có thể dùng để hỗ trợ người nhà của những nạn nhân đó hoặc đầu tư vào những công trình thiết thực hơn”

Một góc của tường đài nghìn tỷ Đinh Tiên Hoàng Đế ở TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

Trong khi đó, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội) không loại trừ khả năng có tiêu cực trong những dự án như thế này. “Tất nhiên nói đến chuyện tiêu cực, hoa hồng thì rất mơ hồ và mông lung. Nhưng bỏ ra cả trăm tỷđể xây dựng công trình như vậy thì đến dư luận chúng ta cũng phải suy nghĩ, đừng nói tới những người lên kế hoạch, lập dự án. Một công trình nghệ thuật cao đâu có liên quan tới chiều kích của công trình và số tiền đầu tư khủng?”.

Trước đó, PGS.TS Phạm Quý Thọ, chuyên gia chính sách công cũng có những câu hỏi tương tự khi trả lời báo chí rằng: "Thời gian qua, việc các doanh nghiệp địa phương đua nhau có dự án xây dựng các tượng đài, công trình mang tính tôn vinh nhưng xảy ra tiêu cực cũng dẫn đến nghi ngại trong dư luận.

Thực tế này khiến dư luận không mặn mà với dự án tượng đài mang mang tính biểu tượng tôn vinh hay một kiểu báo cáo thành tích của các doanh nghiệp, địa phương. Thậm chí, việc đưa ra dự án dễ khiến người ta nghĩ đến lợi ích nhóm phía sau các dự án này".

P. Thiệu - N. Thắm

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-xay-tuong-dai-tram-ty-cho-ai-a302181.html