'Xây tổ ấm' cho chó mèo bị bỏ rơi

Cụm từ 'cứu hộ chó mèo' có vẻ xa lạ với nhiều người vì lâu nay người ta cứu hộ người, xe cộ. Nghe có vẻ phi lý nhưng đây lại là việc làm hàng ngày, hàng giờ của Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp, được thành lập bởi một nhóm sinh viên đại học Nông nghiệp Hà Nội.

“Tổ ấm” của những chó mèo bị bỏ rơi

“Tổ ấm” này là một ngôi nhà cấp 4, với 5 phòng (1 phòng trực, 3 phòng điều trị bệnh cùng 1 nhà vệ sinh), trên đường Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) được thuê với giá 2 triệu đồng/tháng với cơ sở vật chất đơn sơ. Tuy nhiên từ phòng khám ngoại khoa, nội khoa cho đến khu truyền nhiễm đều được phân chia rõ ràng.

Các thành viên của trạm đều là sinh viên khoa Thú y, học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đều đặn mỗi sáng, 17 thành viên của trạm lại đến "tổ ấm dành cho thú cưng" theo lịch trực. Trạm làm việc 24/24h để có mặt kịp thời mỗi khi có điện thoại cần cứu hộ bất kể nắng, mưa, đêm hay ngày.

Nguyễn Trung Hiếu đang kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý của mèo như nhiệt độ, niêm mạc, phân,... Ảnh: Bích Ngọc

Nguyễn Trung Hiếu đang kiểm tra các chỉ tiêu sinh lý của mèo như nhiệt độ, niêm mạc, phân,... Ảnh: Bích Ngọc

Mỗi con vật được trạm cứu về đều có “tiểu sử riêng”, nhưng điểm chung là không lành lặn. Phần lớn chúng già yếu, bị chủ nhân bỏ rơi hay mắc các bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, trong 10 ca thì có 7-8 ca chó mèo rơi vào tâm lý hoảng sợ, phản kháng, gây thương tích cho các sinh viên.

Là người tận tụy với công việc cứu hộ, không quản ngại nắng mưa, đường sá xa xôi, chạy xe 30km lúc 2h sáng để cứu giúp các trường hợp chó, mèo gặp nạn, Hoàng Thu Trang, quản lý trạm kể lại: “Hôm đó trời mưa rất to, mình đã tức tốc kêu gọi mọi người đi cứu hộ. Lúc về cả đoàn đều ướt nhẹp, duy chỉ có “bé” chó là không”.

“Sau khi tiếp nhận ca cứu hộ chó mèo, chúng mình sẽ mang về trạm, điều trị khỏi cho “bé” rồi tìm một người chủ mới đủ tình yêu, trách nhiệm, điều kiện chăm sóc và đảm bảo sẽ không đưa bé đi lò mổ. Hàng tháng trạm sẽ thường xuyên hỏi thăm về tình hình sức khỏe của bé”, Nguyễn Trung Hiếu, sinh viên K63 Khoa Thú y, thành viên của trạm chia sẻ.

Chấp nhận đánh đổi nhiều điều

Công việc cứu hộ chó mèo bị xã hội coi như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nó lấy đi của các bạn sinh viên thời gian, tâm huyết và tiền bạc, thậm chí cả sức khỏe. Nhưng vì tình yêu thương động vật và đam mê nghề nghiệp, họ vẫn làm việc này một cách thầm lặng.

Hành trình xây dựng trạm cứu hộ Động vật Nông nghiệp phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Xoay xở chi phí mỗi tháng để duy trì hoạt động thực sự là gánh nặng lớn. Nguyễn Trung Hiếu cho biết, mỗi thành viên tự đóng góp 100.000 đồng/tháng, và “bỏ bớt chút tiền ăn sáng, chia sẻ với nhau để cùng duy trì trạm”. Một số nhà hảo tâm đã tài trợ những khoản phí nhất định để thuê nhà, điều trị và thuốc thang nhưng dù không đáng kể. Ngoài ra, trạm còn tham gia các chương trình ở trường học để tuyên truyền cho các em nhỏ về tình yêu động vật, đồng thời cũng để gây quỹ ủng hộ trạm.

Chú mèo trông có vẻ khó gần này được đặt tên là Sắn mắc bệnh về da, khá quấn quýt chị Hoàng Thu Trang (quản lý trạm). Ảnh: Bích Ngọc

Bên cạnh khó khăn về kinh tế, các sinh viên trong trạm gặp không ít áp lực khi đối diện với nhà dân xung quanh. “Những người nào thông cảm cho bọn mình thì không sao. Nhưng có những người không thích, họ báo lên cơ quan chức năng. Đó là một trở ngại lớn”, chị Trang, quản lý trạm chia sẻ.

Trạm vẫn đang cố gắng thương lượng với hàng xóm một cách tình cảm, giúp họ hiểu và thông cảm với công việc của trạm.

Tiếp xúc với chó mèo bị bệnh, các sinh viên còn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công, hoặc mắc các bệnh về da như nấm, thậm chí còn phải đối mặt với các bệnh nguy hiểm như dại khi tiếp xúc với chó, mèo lạ. Chính vì vậy, các thành viên của Trạm luôn phải trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết khi đi cứu hộ.

Nhiều lúc Trang cảm thấy nản chí, không biết bản thân có thể tiếp tục công việc ở trạm không. “Nhưng khi nghĩ đến các bé chó mèo bị bỏ rơi, điều ấy không cho phép mình từ bỏ, thôi thúc mình trở nên mạnh mẽ hơn và gắn bó với trạm được lâu như vậy”, Trang tâm sự với đôi mắt ngập tràn tia hy vọng.

Vất vả là vậy, nhưng suốt 5 năm qua, trạm Cứu hộ Động vật Nông nghiệp vẫn kiên trì với phương châm “We treat animals like family” (Tạm dịch: Chúng tôi đối xử với động vật như gia đình.” Tình yêu thương đối với những con vật có số phận kém may mắn đã tiếp nguồn động lực để các thành viên vượt qua và làm nên điều phi thường.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội, được thành lập vào năm 2015, bởi thầy Hoàng Minh và các bạn sinh viên khóa 58, khoa Thú y, học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với phương châm "Chúng tôi đối xử với động vật như gia đình", nên dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, nếu nhận được điện thoại nhờ giúp đỡ cho các trường hợp chó mèo gặp nạn, các thành viên của trạm cũng sẽ sẵn sàng lên đường giải cứu.

Ngọc Nhi

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (8)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/suc-khoe-lam-dep/xay-to-am-cho-cho-meo-bi-bo-roi-a352835.html