Xây nhiệt điện than: Không thể chọn công nghệ Trung Quốc

Trình độ, công nghệ, kỹ thuật nhiệt điện than chưa thể đáp ứng được, không nên chọn công nghệ Trung Quốc.

Nói về đề xuất xin được làm 5 dự án nhiệt điện than của liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam chỉ ra ba vấn đề cần lưu ý.

Không làm nhiệt điện than bằng công nghệ Trung Quốc. Ảnh EVN

Thứ nhất, đây là dự án có công suất, nguồn vốn rất lớn, đòi hỏi về trình độ kỹ thuật rất cao, đặc biệt là dự án Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3.

Cụ thể, với dự án Quỳnh Lập 1, do Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư TKV xây dựng phương án đầu tư và Viện Năng lượng làm phản biện báo cáo và thẩm định.

Tuy nhiên, báo cáo về phương án đầu tư của dự án này đã bị phản đối do có nhiều vấn đề không phù hợp, sai số cao, không thể vay được vốn.

Đối với dự án Hải Phòng 3, đây là dự án rất lớn, gồm 4 tổ máy với tổng công suất là 1.200MW. Còn Quảng Trạch 2 là dự án thành lập sau nhưng được dự kiến sẽ đầu tư kỹ thuật hiện đại nhất Việt Nam....

Với những tiêu chí, điều kiện như trên bắt buộc phải lựa chọn một nhà thầu có đủ năng lực cả về tài chính, trình độ và kinh nghiệm. Vậy, năng lực của Gelximco có đáp ứng được không? Họ sẽ đầu tư theo hình thức nào?

Theo đề xuất, Gelximco sẽ liên danh với nhà thầu Trung Quốc để thực hiện dự án với dự kiến vay tới 80% nguồn vốn từ các ngân hàng Trung Quốc, đây là vấn đề phải quan tâm.

Về mặt tài chính, nếu tính tổng đầu tư của cả 3 dự án sẽ rơi vào khoảng 8 tỷ USD, như vậy, Gelximco phải đảm bảo nguồn vốn tự có là 1,6 tỷ USD để thực hiện dự án. Vậy với số tiền như vậy, Gelximco có đáp ứng được không? Gelximco sẽ lấy tiền ở đâu?

Vấn đề thứ hai về năng lực nhà thầu. Vị chuyên gia chỉ rõ, Gelximco mới tham gia đầu tư dự án nhà máy xi măng, nhà máy điện Thăng Long, chưa có kinh nghiệm cũng như trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng nhiệt điện than.

Nếu dự án vay vốn 80% của Trung Quốc, nhiều khả năng dự án sẽ bị lệ thuộc về vốn, công nghệ và lao động.

Tại Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc tham gia rất nhiều dự án nhà máy điện nhưng trình độ, kỹ thuật không cao, nhiều nhà máy điện đã "thấm đòn". Điểm chung tại các dự án nhà thầu Trung Quốc thi công là công nghệ chạy tốt trong hai năm đầu, khi hết thời gian bảo hành thiết bị đều xuống cấp rất nhanh.

Ở Trung Quốc hiện ghi nhận có 4 thương hiệu lớn trong lĩnh vực nhiệt điện là Điện khí Thượng Hải, Điện khí Bắc Kinh, một thương hiệu ở Trùng Khánh và một thương hiệu khác ở Cáp Nhĩ Tân.

Trong 4 thương hiệu trên, chỉ có nhà máy ở Cáp Nhĩ Tân là đảm bảo về trình độ, kinh nghiệm, 3 thương hiệu còn lại đều phát triển trong thời gian ngắn, đi lên từ trình độ không cao.

Hơn nữa, công nghệ luyện kim được xem là bí quyết, mang tính bản quyền của từng quốc gia.

Không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được thép chất lượng cao, mang tính đặc chủng, ví dụ như Nga, họ cũng làm thép rất nhiều nhưng chỉ sau 20 năm thi công cầu Chương Dương (Hà Nội) thì đã phải thay rất nhiều.

Trong khi đó, thép của Pháp có tuổi thọ hơn 1 thế kỷ vẫn chưa phải thay. Thép của Trung Quốc cũng vậy, trong một môi trường làm việc rất ngặt nghèo thì công nghệ luyện kim của Trung Quốc chưa thể đáp ứng được. Với tất cả những hạn chế trên thì không thể sử dụng công nghệ Trung Quốc để làm nhiệt điện.

Về vấn đề lao động, ông cho biết, chúng ta cũng từng gặp rất nhiều rắc rối liên quan tới việc nhà thầu Trung Quốc đưa hàng nghìn lao động trái phép vào nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh).

Dư luận đã lên tiếng, báo chí đã lên tiếng, nếu trường hợp trên cũng xảy ra tương tự với cả 3 dự án Quỳnh Lập 1, Quảng Trạch 2 và Hải Phòng 3 nếu tình trạng trên tái diễn, chúng ta sẽ giải quyết thế nào?

Xây nhiệt điện bằng vốn Trung Quốc: Đừng để rơi vào bẫy

Vấn đề thứ ba là công nghệ. PGS. TS Trương Duy Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh tới công nghệ sản xuất nhiệt điện than. Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam, để đánh giá công nghệ của một nhà máy nhiệt điện than phải căn cứ vào thông số hơi (tức là phải căn cứ vào áp suất bao nhiêu, nhiệt độ bao nhiêu).

Về áp suất lại có hai kênh áp suất là áp suất trên tới hạn và áp suất dưới tới hạn, cận tới hạn. Hiệu suất của hai hình thức này chênh nhau lên tới 2%, tức là một nhà máy cận tới hạn tiêu thụ 4 triệu tấn than, thì cũng với công suất như vậy công nghệ siêu tới hạn sẽ tiết kiệm được 80.000 tấn than.

Hiện nay, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam đang sử dụng công nghệ Trung Quốc như Uông Bí, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải... đều đang sử dụng áp suất cận tới hạn (180MW).

Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mấu chốt trong sử dụng công nghệ nhiệt điện than, vấn đề quan trọng là nguy cơ phát thải và hệ thống xử lý các chất phát thải đó trước khi thải ra môi trường như thế nào?

Với những tiêu chí, tiêu chuẩn như trên, PGS Nghĩa khẳng định lại là không nên chọn công nghệ của Trung Quốc.

Trong vấn đề quản lý, vị PGS đặt kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ tỉnh táo xem xét, đánh giá một cách khách quan giữa lợi ích lâu dài với lợi ích trước mắt.

Ông lưu ý, Trung Quốc vẫn được đánh giá là nhà đầu tư giỏi nhất thế giới, họ rất khôn khéo và luôn biết cách để có bằng được dự án, kể cả giải pháp "cửa sau" hoặc bằng các chiêu thức bỏ thầu giá rẻ..., do đó, việc này phải tỉnh táo và thận trọng, không nên mắc bẫy giá rẻ để phải nhận lấy "của ôi".

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/xay-nhiet-dien-than-khong-the-chon-cong-nghe-trung-quoc-3355597/