Xây Nhà hát Thủ Thiêm: Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận với đại biểu tại Nghị trường

Nêu ý kiến về việc xây nhà hát Thủ Thiêm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết ông 'càng đọc càng nao núng' và đề nghị Chính phủ không nên 'dĩ hòa vi quý' bởi ông lo ngại nếu 'dĩ hòa vi quý' thành 'dĩ hòa vi phạm' hay 'dĩ hòa vi Hiến'.

Phát biểu trong phiên thảo luận về ngân sách, đầu tư công chiều 29/10 tại Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói, gần đây thông tin từ báo chí, công luận có nêu rất nhiều địa phương đề nghị xin xây trung tâm hội nghị, nhà văn hóa.

Liên quan đến việc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản tới Quốc hội nhằm cung cấp một số thông tin về hát giao hưởng, nhạc vũ kịch 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, ông Nhưỡng chia sẻ “càng nghiên cứu càng nao núng". “Tôi đề nghị Chính phủ nên có thái độ rất quyết liệt, chúng ta không dĩ hòa vi quý câu chuyện xây trụ sở to, xây nhà văn hóa " - ông Nhưỡng nói. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng nhấn mạnh: "Bây giờ không phải để tạo điểm nhấn mà xây nhà hát này. Nếu xây cũng không phải lúc này, khi lòng người dân Thủ Thiêm và lòng người dân cả nước không yên".

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng tại phiên thảo luận chiều 29/10

Như VnMedia đã đưa tin về việc Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã nói rằng, “việc xây dựng nhà hát không ảnh hường gì đến việc đền bù cho người dân Thủ Thiêm. Thành phố đảm bảo không vì tiền xây nhà hát mà thiếu tiền đền bù cho dân”. Ngoài ra, nói về việc nhiều người đặt vấn đề liệu xây nhà hát có phải gánh nặng cho các công trình khác của thành phố hay không? Tại sao không dùng tiền này xây trường học, bệnh viện? ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, riêng trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, tiền xây bệnh viện, trường học là 34.633 tỉ đồng. So với xây nhà hát gấp 53 lần và ngược lại, tiền xây nhà hát chỉ bằng 4,3% tiền xây bệnh viện, trường học.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nếu so với xây bệnh viện, trường học của 3 nhiệm kỳ gần đây là 57.860 tỉ đồng thì gấp 58 lần xây nhà hát và nhà hát chiếm 2,6% tiền xây bệnh viện, trường học. Còn nếu so với tổng chi ngân sách Thành phố của 3 nhiệm kỳ gần đây là 355.000 tỉ đồng, thì tiền xây nhà hát chỉ chiếm 0,4%.

Phản biện lại cách giải thích này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói: "Đầu tư vào giao thông, y tế, giáo dục thì không bao nhiêu là đủ. Thành phố Hồ Chí Minh bảo đầu tư rất nhiều rồi cho nên bây giờ có thể đầu tư nhà hát có 1.500 tỷ thôi. Tôi cho rằng giải thích như thế không ổn. Tôi đề nghị đồng chí Thủ tướng và Chính phủ xem xét cẩn trọng các vấn đề của các địa phương hiện nay, có những vấn đề không cần thiết, không hợp ý Đảng và lòng dân thì chúng ta cương quyết dừng. Không dĩ hòa vi quý. Dĩ hòa vi quý có thể thành dĩ hòa vi phạm, dĩ hòa vi Hiến là không được".

Tranh luận lại ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã cân đối vốn cho nhà hát đảm bảo trong sự phát triển hài hòa của Thành phố, vẫn đầu tư cho các lĩnh vực trong đó có văn hóa, lĩnh vực được nhận định là chưa đầu tư đúng mức.

Bà Tâm cũng nói rằng, đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có nói đó là dự án ưu tiên đầu tư từ 2013 nhưng khi đó do chưa xác đinh vị trí nên đến nay mới quyết định chủ trương xây dựng để tiến hành thủ tục xây dựng. “Dự án này dự kiến xây dựng từ 1 đến 5 năm và giải ngân theo từng giai đoạn,” Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh cho biết.

Bà Tâm cũng một lần nữa khẳng định lãnh đạo Thành phố vẫn đang giải quyết thận trọng đúng quy định của pháp luật vấn đề Thủ Thiêm.

Sau phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng một lần nữa lại giơ biển xin được tranh luận tiếp, tuy nhiên, thời gian làm việc của buổi chiều đã hết nên chủ tọa không đồng ý.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201810/xay-nha-hat-thu-thiem-ba-nguyen-thi-quyet-tam-tranh-luan-voi-dai-bieu-tai-nghi-truong-618042/