Xây mới đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cần xem xét kỹ

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo tiền khả thi và chuẩn bị triển khai tốt các bước tiếp theo của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Trong thông báo kết luận dự thảo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội khóa XV về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Giúp hai đầu đất nước kéo lại gần nhau

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ này nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến của các chuyên gia, tư vấn, các nhà khoa học, so sánh để lựa chọn phương án tối ưu về công nghệ, suất đầu tư, khả năng huy động vốn...

“Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án được thẩm định theo đúng quy định pháp luật, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện, báo cáo và chuẩn bị triển khai tốt các bước tiếp theo…” - Thủ tướng yêu cầu.

Liên quan đến dự án trên, GS-TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng xây dựng tuyến đường sắt hiện đại trên trục Bắc - Nam đã được đặt ra hơn chục năm. Hiện các đơn vị tư vấn của Nhật, Hàn Quốc và liên danh trong nước đã nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất các phương án xây dựng cụ thể.

Trong các phương án được đề xuất, ông Phong đồng ý với phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ khai thác 300 km/giờ (vận tốc thiết kế 350 km/giờ) chuyên chở hành khách.

GS-TS Bùi Xuân Phong cũng cho rằng tuyến đường sắt này hình thành sẽ giúp cho hai đầu đất nước kéo lại gần nhau hơn trong tư duy phát triển kinh tế, góp phần tiết kiệm thời gian đi lại của hành khách. Những lợi ích trên sẽ là nhân tố quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo ông Phong, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam là dự án cho tương lai nhưng cũng là cứu cánh cho hệ thống hơn 1.700 km đường sắt Bắc - Nam hiện tại vốn đã hơn 100 năm tuổi đời, hiện xuống cấp, lạc hậu và thường tê liệt trong mùa mưa bão.

“Nếu không có tuyến đường sắt hiện đại thay thế cho đường sắt hiện nay, hành khách sẽ tiếp tục quay lưng với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đường sắt Việt Nam sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh và phát triển. Hơn thế, mất đi những giá trị vô hình ngoài vận tải mà tuyến vận tải đường sắt xương sống của đất nước có thể mang lại…” - ông Phong nói.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu đã xuống cấp và thường xuyên tê liệt trong mùa mưa bão. Ảnh: THY NHUNG

Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu đã xuống cấp và thường xuyên tê liệt trong mùa mưa bão. Ảnh: THY NHUNG

Cần làm rõ nhiều vấn đề

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc đầu tư xây mới tuyến đường sắt có tốc độ tối đa 320 km/giờ chỉ để chở khách sẽ rất khó cạnh tranh với giá vé đường bộ (đường ngắn), đường hàng không (đường trung bình và dài).

Cạnh đó, Việt Nam chưa có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm để triển khai tàu tốc độ cao 320 km/giờ. Đi liền với đó là chi phí, cơ sở vật chất cho đào tạo bảo hành, sửa chữa, đóng mới toa xe cũng rất lớn.

Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư 58 tỉ USD mà dự án tiền khả thi đưa ra, trong đó có 20% vốn mời gọi tư nhân tham gia là khó khả thi. Vì đầu tư vào đường sắt lớn nhưng thu hồi vốn rất chậm (vài chục năm), không thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó, thực tế các nhà đầu tư của Việt Nam còn rất nghèo so với thế giới.

“Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan lập dự án, thẩm định dự án cần làm rõ ràng những vấn đề nêu trên. Cá nhân tôi cho rằng trước mắt triển khai dự án bằng ngân sách nhà nước đoạn đường tốc độ cao từ TP.HCM đi Nha Trang. Sau một vài năm hoàn thành, chạy thử hiệu quả mới triển khai dự án tốc độ cao theo quy hoạch…” - ông Hùng đề xuất.

Từ Hà Nội đi TP.HCM mất 5 giờ 20 phút

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng, xây dựng một tuyến đường sắt mới chở khách với tốc độ thiết kế 350 km/giờ.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1,35 triệu tỉ đồng (hơn 58,7 tỉ USD). Giai đoạn 1 của dự án (dự kiến từ năm 2020 đến 2032), đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM với số vốn khoảng 567.200 tỉ đồng. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2032 đến 2050), đầu tư các đoạn còn lại với số tiền khoảng 783.100 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành (năm 2050), dự án sẽ giúp người dân đi từ Hà Nội đến TP.HCM mất 5 giờ 20 phút với 91 đôi tàu/ngày đêm.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/xay-moi-duong-sat-cao-toc-bac-nam-can-xem-xet-ky-947761.html