Xây hầm bí mật, diệt địch trong vùng tạm chiến

Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.

Một góc đường Ngô Tiến Dũng tại tỉnh Kon Tum ngày nay. Ảnh: Hồng Sơn

Một góc đường Ngô Tiến Dũng tại tỉnh Kon Tum ngày nay. Ảnh: Hồng Sơn

Đồng chí Ngô Tiến Dũng (tức Thành), sinh năm 1948, quê ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 6-1966, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 11-1972. Trong quá trình công tác, đồng chí Ngô Tiến Dũng đã được truy tặng 1 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 1 Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất và 1 Huy hiệu Bác Hồ.

Đồng chí Ngô Tiến Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sớm giác ngộ cách mạng. Khi còn ở với gia đình trong vùng địch tạm chiếm, Ngô Tiến Dũng đã tình nguyện tham gia xây dựng cơ sở bí mật, nắm tình hình địch và bảo vệ cán bộ qua lại hoạt động. Năm 18 tuổi, Ngô Tiến Dũng được chính thức gia nhập lực lượng An ninh vũ trang tỉnh. Nhiệm vụ của anh và đơn vị là bám trụ địa bàn, nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở, diệt ác, phá kìm, hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh, tạo thời cơ giải phóng nông thôn và thị xã.

Để thực hiện nhiệm vụ, Ngô Tiến Dũng cùng đơn vị đào hàng chục hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ và cùng anh em ngày đêm đi sâu, đi sát quần chúng để tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng được 6 cơ sở bí mật, một cơ sở điệp báo phục vụ đắc lực cho việc đánh địch và đẩy phong trào đấu tranh lên một bước mới. Qua tuyên truyền giáo dục, Ngô Tiến Dũng đã góp phần phát triển được 1 đảng viên hoạt động hợp pháp đầu tiên trong vùng địch đang chiếm đóng.

Từ những cơ sở trên, anh đã cùng đồng đội tích cực bám sát quần chúng, giúp đỡ cơ sở phát hiện những người tốt, người xấu, tạo điều kiện cho đơn vị phân loại quần chúng và phân hóa từng loại kẻ thù. Được quần chúng giúp đỡ, đặc biệt là các cơ sở bí mật, anh cùng đồng đội diệt trên 70 tên địch, gồm 21 sĩ quan, 6 ngụy quyền tình báo, ác ôn và diệt 60 tên cảnh sát, ngụy quân, phòng vệ dân sự.

Trong quá trình len lỏi hoạt động ở địa bàn, Ngô Tiến Dũng luôn linh hoạt, mưu trí, dũng cảm. Qua thực tế chiến đấu được tôi luyện, thử thách, Ngô Tiến Dũng đã thể hiện là một chiến sĩ có ý thức tổ chức và kỷ luật tốt, tác phong gương mẫu, chịu khó và tích cực trong mọi công việc. Ngoài ra, Ngô Tiến Dũng cũng luôn khiêm tốn, tích cực học hỏi, cầu tiến bộ. Vì vậy, trong công tác cũng như trong sinh hoạt, anh thường xuyên được cấp trên tin tưởng và đồng đội yêu mến.

Đầu năm 1972, Ngô Tiến Dũng được đề bạt là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Nhận nhiệm vụ đó, anh có nhiều băn khoăn, lo lắng vì bản thân chưa qua đào tạo. Được cấp trên giúp đỡ, anh đã tích cực tổ chức, xây dựng đơn vị từ yếu kém trở thành đơn vị khá toàn diện, chi bộ phấn đấu trở thành chi bộ ưu tú.

Để ghi nhận công lao, đóng góp của Anh hùng, liệt sĩ Ngô Tiến Dũng, ngày 11-7-2007, HĐND tỉnh Kon Tum đã ra Nghị quyết số 09/2007/NQ-HĐND về việc đặt tên đường (bổ sung) tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà; đặt tên đường và công trình công cộng tại thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, trong đó có việc đặt tên đường mang tên Anh hùng, liệt sĩ Ngô Tiến Dũng.

Cuối năm 1972, địch tăng cường chính sách "tát nước bắt cá" để thực hiện kế hoạch bình định của chúng. Phía Bắc Kon Tum đã được giải phóng, chúng tìm mọi cách phá hoại và tấn công nhằm phá vỡ phong trào cách mạng của ta, đẩy mạnh chính sách kìm kẹp của chúng. Trước tình hình đó, Ngô Tiến Dũng được cử về công tác vùng Kon Hơ Ring.

Trong lúc địch đang đánh phá dữ dội, đội hình đơn vị triển khai chưa kịp, dân lo sợ và di tản, Ngô Tiến Dũng đã vượt qua nhiều khó khăn, nguy hiểm để nắm tình hình địch và ổn định tư tưởng cho đồng bào. Anh cùng một số đồng chí đưa người dân trú ẩn về nơi sơ tán. Trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ thì một quả bom nổ gần đó, Ngô Tiến Dũng đã hy sinh tại chỗ.

Trải qua 6 năm chiến đấu liên tục, Ngô Tiến Dũng luôn nêu cao tinh thần tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời tươi trẻ của mình để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Ngô Tiến Dũng đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6-6-1976.

Mạnh Vũ

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xay-ham-bi-mat-diet-dich-trong-vung-tam-chien-post430167.html