Xây ga tàu điện ngầm C9: Hãy để Hồ Gươm được yên bình

Theo Phó giáo sư Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, giữ nguyên vẻ yên bình cho Hồ Gươm là 'dự án' phù hợp nhất.

Phối cảnh nhà ga tàu điện ngầm được UBND TP Hà Nội đưa ra trưng cầu để lấy ý kiến người dân vào đầu năm 2018.

Dự án xây nhà ga tàu điện ngầm cạnh Hồ Gươm vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong giới khoa học.

Trong khi PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam có quan điểm phản đối mạnh mẽ thì nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng đề án xây ga tàu điện ngầm C9 cạnh Hồ Gươm hoàn toàn khả quan.

Trao đổi với Lao Động, PGS Đặng Văn Bài khẳng định, việc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch gửi công văn đề nghị UBND Thành phố Hà Nội xem xét thêm các phương án đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm là đúng.

“Ở góc độ di sản, tôi lo ngại công trình giao thông này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu di tích quốc gia đặc biệt. Nói việc xây nhà ga ngầm ở cạnh Hồ Gươm không vi phạm luật là không đúng. Vị trí xây nhà ga được xác định là khu vực 2, rất gần với Tháp Bút và Đền Ngọc Sơn. Đây là khu vực cho phép những công trình được xây dựng với mục đích tôn tạo di tích. Nhưng ga tàu điện ngầm có phải là công trình tôn tạo di tích đâu?”, PGS Đặng Văn Bài đặt câu hỏi.

Quy hoạch ga ngầm C9.

Theo ông, việc bất chấp tất cả để xây dựng ga điện ngầm sẽ mang đến những tiềm ẩn về rủi ro cho Tháp Bút và mực nước ở Hồ Gươm.

PGS Bài cảnh tỉnh điều này. Ông cũng cho rằng, những người xây dựng dự án vẫn chưa tính toán hết được sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản khi tiến hành xây dựng một công trình giao thông lớn.

“Nếu sau này Hồ Gươm bị xâm phạm bởi ga tàu điện ngầm, ai sẽ chịu trách nhiệm về những tổn thất ấy? Tôn tạo là bỏ đi những cái sai để du khách có điều kiện tiếp cận cái đẹp, cái hay của di tích. Tuy nhiên, công trình giao thông này nằm ngoài phạm vi tôn tạo”, ông nhấn mạnh.

Theo tính toán của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, cửa duy nhất ven Bờ Hồ sẽ có khoảng 5.000 lượt hành khách lên xuống mỗi ngày. Đây cũng là một trong những vấn đề khiến nhà khoa học lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan di sản.

"Tôi được biết có nhiều dự án quy hoạch Hồ Gươm đang được trình lên các cấp để chờ phê duyệt. Nhưng ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ nên giữ nguyên sự yên bình cho Hồ Gươm là phù hợp nhất", Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam chia sẻ.

Trong khi đó, về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc lại cho rằng dự án này hoàn toàn khả quan.

Theo ông, bất cứ công trình nào được xây dựng cạnh Hồ Gươm cũng gây băn khoăn, tranh cãi là chuyện bình thường.

“Dự án này đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp xã hội. Có người phản đối, có người đồng tình. Với bản thân tôi, chứng kiến những gì mà UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai và xây dựng phương án tối ưu cho ga ngầm C9, tôi thấy khả quan. Sau nhiều lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến, nhiều người dân thủ đô đã chia sẻ với chính quyền về chủ trương này”, nhà sử học cho biết.

Đào Bích

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/xay-ga-tau-dien-ngam-c9-hay-de-ho-guom-duoc-yen-binh-627912.ldo