Xây dựng xã nông thôn mới nâng cao: Gỡ khó trong thực hiện tiêu chí 'Tiếp cận pháp luật'

Năm 2022 là năm đầu tiên các địa phương thực hiện tiêu chí 'tiếp cận pháp luật' trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) nâng cao giai đoạn 2021-2025. Bằng nhiều cách làm phù hợp với điều kiện thực tế, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã từng bước tháo gỡ khó khăn.

Tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đến tháng 8/2022, Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí “tiếp cận pháp luật” thuộc Bộ tiêu chí quốc gia nêu trên, trong đó có các nội dung liên quan đến xã NTM nâng cao. Theo hướng dẫn, một số tiêu chí khá “ngặt nghèo”, địa phương khó thực hiện.

Thành viên "Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải" thôn Tân Mỹ, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) phổ biến các quy định pháp luật cho người dân.

Thành viên "Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải" thôn Tân Mỹ, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) phổ biến các quy định pháp luật cho người dân.

Được biết, năm 2022, toàn tỉnh có 19 xã (thuộc 7 huyện) đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao. Xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) là một trong 19 địa phương này.

Ông Đồng Trương Bào, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho hay: “Hướng dẫn nêu rõ, để đánh giá địa phương có mô hình phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) hiệu quả, Bộ Tư pháp yêu cầu tiêu chí “Tiếp cận thông tin, PBGDPL” năm 2022 phải đạt điểm số tối đa. Địa phương sử dụng kết quả chấm điểm tiêu chí PBGDPL năm 2021 làm cơ sở đánh giá. Rất tiếc, tiêu chí của năm trước lại không đạt điểm số tối đa. Các xã khác cũng gặp vướng mắc chung này”.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp yêu cầu trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá, địa phương phải có mô hình điển hình PBGDPL, hòa giải ở cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp huyện trở lên tặng Giấy khen, Bằng khen hoặc hình thức khen thưởng khác. Thực tế, những năm trước, các địa phương chỉ có tập thể, cá nhân được khen thưởng trong công tác tư pháp, chưa có hình thức khen thưởng mô hình cụ thể.

Với nhiệm vụ được giao, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp các huyện thường xuyên nắm bắt, kịp thời hỗ trợ các địa phương gỡ từng “nút thắt”. Nhận thấy, việc xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cơ bản trùng với thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Do vậy, các địa phương đã sử dụng kết quả chấm điểm tiêu chí “Tiếp cận thông tin, PBGDPL” năm nay để đánh giá.

Sở Tư pháp gợi ý, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số mô hình như “Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố”; “Huy động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tuyên truyền pháp luật”; “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”; “Huy động luật gia, luật sư, người có kiến thức pháp luật tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở”...

Qua khảo sát, nhiều địa phương đã bảo đảm về điểm số theo quy định. Các địa phương cũng chủ động xây dựng, nhân rộng và đề nghị khen thưởng mô hình tiêu biểu. Như ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng), 9/9 thôn đều duy trì mô hình “Tổ tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Năm nay, mô hình này của thôn Tân Mỹ được đề nghị UBND huyện khen thưởng.

Ông Nguyễn Khả Phương, Trưởng thôn Tân Mỹ chia sẻ: “Thôn đông dân cư, địa bàn rộng nhất xã. Để tuyên truyền pháp luật hiệu quả, chúng tôi bố trí 8 điểm loa truyền thanh. Đây là những “trợ thủ” đắc lực giúp cấp ủy tuyên truyền, phổ biến pháp luật. 27 thành viên trong tổ đều là những người có trách nhiệm, kiến thức pháp luật cơ bản. Nhờ đó, nhiều năm nay, địa bàn không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự nghiêm trọng, không phát sinh khiếu kiện đông người”.

Còn ở các xã: Phúc Sơn, Phúc Hòa, Ngọc Châu, Quế Nham (Tân Yên), địa phương duy trì mô hình phát huy vai trò, uy tín của người cao tuổi trong hoạt động hòa giải. Các xã Nghĩa Hòa, Quang Thịnh (Lạng Giang); xã Đông Hưng (Lục Nam), Thanh Hải (Lục Ngạn) duy trì hiệu quả việc mỗi cán bộ không chuyên trách ở thôn, xóm là một tuyên truyền viên pháp luật. Ngoài ra nhiều đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh để được cán bộ đơn vị về tận nơi tư vấn, trợ giúp pháp luật cho người dân.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, vừa qua, đơn vị đã gợi ý, hướng dẫn các địa phương thực hiện một số mô hình như “PBGDPL thông qua sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố”; “Huy động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia tuyên truyền pháp luật”; “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”; “Huy động luật gia, luật sư, người có kiến thức pháp luật tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở”…

Sở cũng hướng dẫn trong trường hợp địa bàn xã có người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nhưng không có yêu cầu trợ giúp thì tỷ lệ vẫn được tính tối đa để không ảnh hưởng đến tổng thể chung.

Sở Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt việc xây dựng, đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xã NTM, xã NTM nâng cao; giữ vững và nâng cao các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các tiêu chí. Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả, sự tác động của công tác này đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/395234/xay-dung-xa-nong-thon-moi-nang-cao-go-kho-trong-thuc-hien-tieu-chi-tiep-can-phap-luat-.html