Xây dựng xã hội học tập là mục tiêu xuyên suốt của công tác khuyến học

Nhiều người thường nghĩ đơn thuần làm công tác khuyến học là tạo nguồn quỹ để khuyến học, khuyến tài cho con em. Nhận thức vậy chẳng sai, tuy nhiên, cần hiểu một cách thấu đáo hơn: Mục tiêu xuyên suốt của công tác khuyến học là xây dựng xã hội học tập.

Nhân ngày khuyến học Việt Nam 2/10

Khai mạc "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2018" tại Trường Tiểu học Nam Hà, TP Hà Tĩnh

19 năm kể từ ngày thành lập Hội Khuyến học Hà Tĩnh, hội khuyến học các cấp ở tỉnh ta đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quán triệt và tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án 112 và Đề án 89 của Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2005-2010 và giai đoạn 2012-2020; Đề án 281 về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.

Hội đã chú trọng tổng kết, đánh giá, rút bài học kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham mưu triển khai bài bản, có chiều sâu đề án của Chính phủ; phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về kế hoạch triển khai các đề án xây dựng xã hội học tập, bộ tiêu chí và quy trình bình xét, thẩm quyền công nhận danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập sát với thực tế tình hình địa phương.

UBND huyện, Trường Tiểu học thị trấn Vũ Quang quyên góp tiền ủng hộ Quỹ Khuyến học

Sau khi UBND tỉnh ban hành các văn bản, hội đã in 14.000 cuốn tài liệu về xây dựng xã hội học tập, 8.000 tờ rơi, biên tập đề cương bài giảng và mở 39 lớp tập huấn cho 5.166 cán bộ khuyến học huyện và cơ sở, cán bộ ngành giáo dục và ban giám đốc các trung tâm học tập cộng đồng để quán triệt và triển khai thực hiện đề án. Đặc biệt, hội đã tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 281 của tỉnh tổ chức kiểm tra, khảo sát và bổ cứu thực hiện ở tất cả các huyện và 65 cơ sở. Nhờ vậy, đến nay, sau 4 năm thực hiện đề án của Chính phủ, có 237.132 hộ đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, chiếm tỷ lệ 65,3%; 2.981 dòng họ đạt danh hiệu, chiếm tỷ lệ 64,55%; 1.542 thôn/tổ dân phố đạt danh hiệu, chiếm tỷ lệ 72,02%; 495 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu, chiếm tỷ lệ 73,55%; 109 xã đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập cấp xã”, chiếm tỷ lệ 41,6%.

Hội Khuyến học tỉnh còn chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, phát hiện những bất hợp lý về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, kinh phí và các điều kiện đảm bảo, đi sâu xây dựng mô hình; từ đó, tham mưu giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm. Vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ 20 bộ máy vi tính cho các trung tâm được chọn xây dựng mô hình điểm.

Hội Khuyến học Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) trao phần thưởng cho học sinh xuất sắc và học sinh vượt khó đầu năm học mới 2018-2019

Hội cũng rất chú trọng xây dựng dòng họ học tập, cộng đồng dân cư học tập nhằm phát huy truyền thống hiếu học của các dòng họ, miền quê, tạo được nhiều cách làm năng động, sáng tạo ở mỗi địa phương, đơn vị; quan tâm các hoạt động bổ trợ giáo dục, vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở vật chất trường học, vận động con em đến trường, tham gia với nhà trường trong việc quản lý con em trên địa bàn dân cư. Đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê và nhân dân ủng hộ quỹ khuyến học. Mỗi năm, quỹ khuyến học các cấp ở Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để tặng thưởng các em học giỏi, đạt giải cao trong các kỳ thi, trao học bổng, khuyến học, khuyến dạy, khuyến nghề cho con em. Riêng Quỹ Khuyến học Hồng Lam và Quỹ Khuyến học khuyến tài Nguyễn Du do Tỉnh hội quản lý có số dư hơn 18 tỷ đồng...

Trần Thanh Bình

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/giao-duc/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-la-muc-tieu-xuyen-suot-cua-cong-tac-khuyen-hoc/161879.htm