Xây dựng xã hội học tập: Giải pháp 'kiềng 3 chân'

Sáng 14/1, Trường ĐH Mở Hà Nội phối hợp với Trung tâm GD thường xuyên tỉnh Nam Định tổ chức Tọa đàm 'Xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam: Thực tiễn và giải pháp công nghệ hỗ trợ'.

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội (ở giữa), ông Nguyễn Hồng Sơn - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (ngoài cùng bên phải) và ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định chủ trì buổi Tọa đàm

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội (ở giữa), ông Nguyễn Hồng Sơn - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (ngoài cùng bên phải) và ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định chủ trì buổi Tọa đàm

Xây dựng môi trường học tập số

Phát biểu đề dẫn, TS Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng không chỉ với ngành Giáo dục mà của toàn xã hội.

Với mỗi người dân, từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành đều có nhu cầu học tập. UNESCO đã xác định 4 trụ cột: Học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Đây được coi là triết lý giáo dục phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Viện dẫn việc học tập không chỉ diễn ra ở nhà trường mà có thể học mọi lúc, mọi nơi; TS Dương Thăng Long cho biết, một khảo sát ở Mỹ cho thấy: Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 có thời gian học tập chính thức ở trường khoảng 18,5%. Càng đến tuổi trưởng thành, thời gian học tập ở trường ngày càng ít đi; thời gian học tập ngoài nhà trường sẽ tăng lên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn, học tập của người dân luôn luôn được thúc đẩy. Từ những lớp bình dân học vụ, nay đã có các văn bản, nghị quyết của Đảng nhằm thúc đẩy xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân có cơ hội học tập suốt đời.

Theo đó, một trong những vấn đề được xã hội quan tâm là phát triển giáo dục theo hướng mở và xây dựng tài nguyên học liệu mở; đồng thời đa dạng hóa mô hình học tập; chú trọng phát triển đào tạo từ xa, xây dựng môi trường học tập mở, tạo cơ hội cho người dân học tập suốt đời.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

TS Dương Thăng Long khẳng định, công nghệ sẽ hỗ trợ đắc lực người dân trong quá trình học tập. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc xây dựng mô hình xã hội học tập, công dân học tập là rất cần thiết. Mô hình này có 3 điểm mấu chốt gồm: Phương tiện học tập, điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật, và trường đại học. Theo đó, mọi người có thể chia sẻ tri thức với nhau, để tạo thành giáo dục chia sẻ.

Với 68 triệu người sử dụng Internet, con số này còn phát triển hơn nữa. Vì vậy, không có lý do gì mà chúng ta không xây dựng và phát triển môi trường học tập số. Đây là vấn đề đáng quan tâm và là xu hướng phát triển ngay trong tương lai gần. Trường ĐH Mở Hà Nội sẽ hỗ trợ, đồng hành và hỗ trợ học tập từ xa, học tập ngắn hạn trên môi trường số. Tuy nhiên cần có sự kết nối chặt chẽ từ chính quyền địa phương, các đơn vị triển khai và các trường đại học.

Phát triển từ các “chân rết”

Nhấn mạnh, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn và ngày càng phát huy hiệu quả; Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định - cho rằng, vấn đề cần quan tâm là cần phát triển công dân học tập. Các trung tâm giáo dục thường xuyên có vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập, công dân học tập và thúc đẩy học tập số.

TS Dương Thăng Long phát biểu đề dẫn

Ông Vũ Xuân Mai – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Nam Định cho rằng, cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên để từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở. Thực hiện việc đánh giá, công nhận văn bằng theo quy định của Luật Giáo dục 2019, khuyến khích người dân có thể học tập, nâng cao trình độ theo bất kỳ con đường nào mà đạt chuẩn đầu ra.

Đồng thời đẩy mạnh việc triển khai công nghệ hiện đại trên nền tảng Internet vào dạy học như: E-learning, công nghệ truyền hình, dạy học trực tuyến… phù hợp với mỗi hình thức học tập, bảo đảm các tiêu chí: Vừa đủ, kịp thời, cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục, tiết kiệm chi phí...

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT), xây dựng xã hội học tập vốn dĩ là đặc trưng của xã hội. Hiểu đơn giản, xã hội học tập là xã hội mà người dân được học tập suốt đời và Nhà nước chăm lo cho người dân trong học tập suốt đời.

Hiện nay, xã hội học tập ngày càng phát triển, với 5 mô hình cụ thể: Công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập. Như vậy, xã hội học tập đã có đường đi rõ ràng; có cơ sở lý luận và thực tiễn triển khai.

Đại biểu thảo luận tại buổi Tọa đàm

Về công dân học tập, ông Nguyễn Hồng Sơn thông tin, Hội Khuyến học đang chủ trì xây dựng Đề án Mô hình công dân học tập. Dự kiến đầu quý IV, Thủ tướng sẽ ký ban hành. Đây được coi là một trong những thành công nhất trong chuyển đổi số quốc gia; trong đó có tiêu chí về khả năng sử dụng công nghệ. Mục tiêu là, 3 năm đầu sẽ hình thành công dân số, các vấn đề còn lại sẽ từng bước triển khai thực hiện.

“Chốt” lại vấn đề, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên nhấn mạnh đến giải pháp “Kiềng 3 chân”: Bộ GD&ĐT (Giáo dục thường xuyên) – Hội Khuyến học và mạng lưới các trường đại học; trong đó các trung tâm giáo dục thường xuyên ở địa phương chính là những chân rết.

Nhân dịp này, Trường ĐH Mở Hà Nội, Sở GD&ĐT Nam Định đã cắt băng khánh thành phòng học công nghệ đa năng tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-giai-phap-kieng-3-chan-gCaFvmBMR.html