Xây dựng vận tải đa phương thức để kéo giảm chi phí logistics

Bộ GTVT đang xây dựng đề án về xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức (VTĐPT). Với thực trạng chi phí vận tải đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp, đề án này được kỳ vọng sẽ kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT

° PHÓNG VIÊN: Thế giới đã phát triển VTĐPT từ rất sớm, nhờ vậy giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh quốc gia. Xin Thứ trưởng cho biết, VTĐPT cần được quan tâm ở Việt Nam như thế nào?

° Thứ trưởng LÊ ĐÌNH THỌ: Trong xu thế hiện đại, vận tải không chỉ đơn thuần là việc chuyển dịch hàng hóa mà còn phải thực hiện được sự kết nối quá trình vận chuyển thành một chuỗi không gián đoạn, nhằm làm cho quá trình vận chuyển hàng hóa an toàn hơn, nhanh chóng hơn, mức độ tin cậy cao và hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, VTĐPT đang trở thành một phương thức vận tải phổ biến, vừa giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, vừa giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với thị trường.

Nhiều nước trên thế giới đã phát triển VTĐPT rất tốt, trong khu vực cũng đã có Singapore, Malaysia… phát triển thành công phương thức này. Đó là lý do mà Bộ GTVT xác định phải khẩn trương phát triển VTĐPT, coi đây là một trong những động lực phát triển nền kinh tế trong tương lai.

° Tại Việt Nam, đề án phát triển VTĐPT đặt ra trong bối cảnh nào, thưa Thứ trưởng?

° Do một thời gian dài đầu tư mất cân đối, chúng ta đang có sự chênh lệch quá lớn trong cơ cấu vận tải. Hiện vận tải đường bộ chiếm tới hơn 94% thị phần, trong khi vận tải đường sắt lẽ ra phải là chủ lực thì hiện chỉ chiếm 0,24%. Các phương thức vận tải rất có ưu thế như đường thủy nội địa cũng chỉ chiếm 4,51%, vận tải đường hàng không chiếm 1,11%.

Hiện trên hành lang Bắc - Nam, vận tải đường sắt kém cạnh tranh hẳn so với đường bộ, do các ga bốc xếp hàng hóa ở 2 đầu Hà Nội (Yên Viên, Giáp Bát) và TPHCM (Sóng Thần) đều có diện tích kho bãi nhỏ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu.

Đường biển tuyến Bắc - Nam cũng chiếm tỷ trọng thấp. Trên hành lang Cần Thơ - TPHCM - Vũng Tàu, cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải chưa khai thác hiệu quả vì giao thông kết nối chưa tốt.

Tình trạng tắc nghẽn trên các tuyến đường bộ đến cảng vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong khi đó, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu chưa có nguồn vốn để triển khai. Về giao thông thủy nội địa cả Bắc và Nam đều đang có nhiều điểm nghẽn, ở phía Nam điểm nghẽn lớn nhất là kênh Chợ Gạo…

Nói về vận tải hiện đại thì điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh, có thể nói là còn kém xa so với trình độ quốc tế.

Ví dụ, khai hải quan điện tử mới chỉ đang được thí điểm ở một số cảng, thiết bị giám sát hành trình được triển khai nhưng chưa phát huy hết hiệu quả, tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng truy xuất trực tuyến tình trạng hàng hóa chưa cao, sàn giao dịch vận tải chưa đạt hiệu quả...

Chỉ xét về khía cạnh xây dựng website cũng có thể thấy phần lớn website của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đơn thuần giới thiệu về mình, thiếu hẳn các tiện ích và tương tác mà khách hàng rất cần như công cụ theo dõi đơn hàng, theo dõi lịch trình tàu, theo dõi chứng từ... Bên cạnh đó, năng lực của các doanh nghiệp vận tải còn manh mún, nhỏ lẻ, sẵn sàng cạnh tranh thiếu lành mạnh.

° Trong bối cảnh đó, quan điểm của Bộ GTVT trong việc phát triển VTĐPT là gì?

° Bộ GTVT xác định sẽ phát triển thị trường vận tải hàng hóa theo hướng kết nối và phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải, gắn với tái cơ cấu vận tải, phấn đấu đến năm 2020 thị phần vận tải hàng hóa đường bộ chỉ còn chiếm khoảng 54,4%; đường sắt nâng lên 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%, đường biển 8,85% và hàng không 0,04%.

Đồng thời, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng lên và chi phí vận tải giảm đi để làm sao chi phí vận tải giảm xuống còn khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm quốc nội, góp phần giảm chi phí logistics của Việt Nam xuống tương đương khoảng 15% GDP.

Cảng Tân Cảng Phú Hữu. Ảnh: CAO THĂNG

° Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về những việc sẽ làm trong thời gian tới để có thể đạt những mục tiêu phát triển VTĐPT?

° Về hạ tầng, Bộ GTVT sẽ ưu tiên tập trung phát triển những công trình lớn, có sức lan tỏa như nâng cấp Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, xây dựng CHKQT Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn tuyến quan trọng thuộc đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng các phương án quy hoạch kết nối đường sắt vào các cảng biển đầu mối, bao gồm các tuyến đường sắt đầu tư mới để có thể đầu tư ngay khi có điều kiện.

Chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí logistics. Cụ thể, với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5% và cảng phí 1%. Với mặt hàng may mặc xuất khẩu, chi phí vận tải là 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 2%. Với mặt hàng gạo xuất khẩu chi phí vận tải chiếm 58%, lưu kho chiếm 10%, xếp dỡ 24%, đóng gói 7% và cảng phí chiếm 1%.

Các kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải container đường thủy nội địa và các dịch vụ logistics tại khu vực Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo. Các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cả đường thủy, đường bộ, hàng không sẽ được giải quyết dứt điểm...

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, Bộ GTVT sẽ ưu tiên phát triển VTĐPT trên các hành lang vận tải chính và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế.

Đặc biệt, Bộ GTVT sẽ khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải.

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực giao thông vận tải cũng sẽ được đẩy mạnh. Vấn đề còn lại là nhận thức của các doanh nghiệp về VTĐPT và sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội.

° Vậy lộ trình thực hiện đề án này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

° Hiện Bộ GTVT đã xây dựng xong đề án, đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan. Đây là đề án có ý nghĩa quan trọng, bộ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, hoàn thiện đề án để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

BÍCH QUYÊN (thực hiện)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xay-dung-van-tai-da-phuong-thuc-de-keo-giam-chi-phi-logistics-587143.html