Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 'Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025' trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu nhằm tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Giảng viên Trường cao đẳng Nghề Đà Lạt (Lâm Đồng) hướng dẫn sinh viên thực hành nghề điện - điện tử. Ảnh: ĐĂNG ANH

Giảng viên Trường cao đẳng Nghề Đà Lạt (Lâm Đồng) hướng dẫn sinh viên thực hành nghề điện - điện tử. Ảnh: ĐĂNG ANH

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu nhằm tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2020 có 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo quy định về quy tắc ứng xử do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, phù hợp với điều kiện, đặc trưng vùng miền và mỗi nhà trường; 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, đoàn viên thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa; 90% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Để thực hiện kế hoạch, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức; xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học theo khung quy định chung đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử; nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử…

* Mô hình câu lạc bộ “sáu không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm, không bạo lực gia đình, không khiếu kiện sai pháp luật, không vi phạm luật giao thông) của Hội Cựu chiến binh TP Cần Thơ nhận được sự tín nhiệm, hưởng ứng từ phía người dân; được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, đánh giá cao, góp phần quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật ở cơ sở.

Khởi điểm từ tám câu lạc bộ tại huyện Phong Điền, đến nay, toàn TP Cần Thơ có 628 câu lạc bộ với hơn 14 nghìn thành viên. Các thành viên câu lạc bộ là cán bộ, hội viên cựu chiến binh, hộ gia đình nhân dân, gia đình cán bộ, trưởng ấp, trưởng khu vực, đại diện công an, lực lượng quân sự… Các câu lạc bộ đặt mục tiêu phấn đấu và rèn luyện theo nguyên tắc “tự quản, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm”; tổ chức sinh hoạt hằng quý để phổ biến đến các thành viên các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; cập nhật thông tin thời sự trong nước và quốc tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trao đổi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống, xây dựng gia đình, xã, phường văn hóa, triển khai cánh đồng mẫu và xây dựng nông thôn mới…

Từ khi thành lập (năm 2014) đến nay, các câu lạc bộ “sáu không” đã tham gia hòa giải thành công 3.600 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; phối hợp tổ chức hơn ba nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật; động viên, giúp đỡ hơn hai nghìn thanh niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật; cung cấp 1.200 nguồn tin có giá trị cho lực lượng công an… Thời gian tới, hoạt động của các câu lạc bộ “sáu không” tập trung vào việc bảo đảm an ninh - trật tự trên địa bàn, đặc biệt là nội dung “không tội phạm”; xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị; tham gia cùng các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa”. Các câu lạc bộ còn dự định bổ sung thêm nội dung “không vi phạm môi trường” vào tiêu chí hoạt động, nhằm phát huy vai trò của cựu chiến binh trong việc bảo vệ môi trường.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41121202-xay-dung-van-hoa-ung-xu-trong-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep.html