Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng trong giai đoạn mới: Giữ gìn, phát huy những nét đẹp

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã có những hành vi, ứng xử đẹp tại nơi công cộng vừa phòng, chống dịch, vừa tạo nếp sống văn minh mới. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy những nét đẹp đó, việc điều chỉnh, bổ sung Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới là cần thiết, góp phần đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc sống.

Hầu hết người dân Thủ đô tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh ở nơi công cộng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long đều đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Thanh Xuân

Ứng xử đẹp nhân lên, hành vi xấu xuất hiện

Cùng với các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, đời sống xã hội của người dân Thủ đô cũng hình thành nhiều nét mới. Thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong các giai đoạn cách ly và giãn cách xã hội, hầu hết mọi người đều tuân thủ khá nghiêm túc các quy định về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, không ít quy định mang tính bắt buộc chưa từng có tiền lệ nhưng vẫn được nhanh chóng thực hiện nghiêm như: Ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay; xếp hàng, giữ khoảng cách khi mua sắm, khi ra nơi công cộng...

Nhiều cách làm sáng tạo khơi dậy ý thức tích cực tham gia vì cộng đồng của người dân cũng đã được các cấp, các ngành triển khai. Đó là quận Ba Đình với phong trào “Tổ dân phố an toàn, ngõ phố an toàn”; thị xã Sơn Tây với chương trình làm sạch đẹp phố phường, gắn với khử trùng, tiêu độc; quận Đống Đa phát động đợt cao điểm vệ sinh ngõ phố, xử lý lấn chiếm hè phố, lòng đường, bảo đảm cảnh quan đô thị...

Cùng với đó, nhiều siêu thị cũng có những giải pháp tạo chuyển biến về hành vi ứng xử của khách hàng. Anh Lê Trung Nghĩa, nhân viên bảo vệ siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) cho biết: Thời gian thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, siêu thị thường xuyên khuyến cáo khách hàng đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giãn cách khi mua sắm... Việc này vừa có lợi cho cộng đồng trong bảo vệ sức khỏe, góp phần thiết thực bảo đảm phòng dịch, vừa góp phần tạo nếp ứng xử văn minh thương mại.

Song, bên cạnh những nỗ lực chung, vẫn còn không ít hành vi, cách ứng xử chưa phù hợp nơi công cộng. Vẫn có những hành vi đáng phê phán như khạc nhổ bừa bãi, vứt khẩu trang đã sử dụng ra nơi công cộng, vứt rác bừa bãi... Và ngay cả trong giai đoạn hiện nay, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (theo Chỉ thị số 07/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), tình trạng không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… vẫn còn nhiều.

Những hành vi này không phải chỉ đáng lên án trong thời gian thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 mà còn là hành vi không đúng quy định pháp luật, không phù hợp với Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Do đó, những ứng xử tiêu cực này phải được triệt tiêu để xây dựng một xã hội văn minh.

Nhận định về những nét đẹp và chưa đẹp trong ứng xử thời gian gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hoạt, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7 (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm - đơn vị được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về thực hiện cách ly tốt trong giai đoạn 1) chia sẻ, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tổ dân phố không chỉ tập trung tuyên truyền việc thực hiện quy định trong phòng, chống dịch mà còn nhấn mạnh cả về việc thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố. Do đó, những ứng xử mang tính tiêu cực nơi công cộng cũng dần được hạn chế...

Người dân phường Thành Công (quận Ba Đình) vệ sinh đường phố, hưởng ứng phong trào “Tổ dân phố an toàn, ngõ phố an toàn”.

Cần sự đồng lòng, chung tay của mỗi người

Thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua cho thấy, nhiều quy định tại Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát huy tác dụng. Ví như những nội dung: Tuân thủ quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng; tôn trọng không gian chung của cộng đồng; giữ gìn, bảo vệ môi trường; xếp hàng khi mua bán; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định... Hay, những quy định người dân không nên làm như: Hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác thải, chất thải trái nơi quy định; chiếm dụng vỉa hè, lòng đường...

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả trong việc khơi dậy, lan tỏa ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống dịch. Để phát huy hơn nữa kết quả này trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã yêu cầu ngành Văn hóa Thủ đô nghiên cứu các biện pháp, hành vi về phòng, chống dịch để xem xét, bổ sung các quy tắc mới vào Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố.

Triển khai chỉ đạo này, dự kiến trong quý II-2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ trình các cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Ngô Văn Nam, các nội dung đang được cân nhắc, lựa chọn bổ sung là: Chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch của cơ quan y tế; phát huy trách nhiệm công dân trong khai báo thông tin dịch tễ; giữ vệ sinh chung; không phát tán, lan truyền thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng...

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, việc bổ sung thêm nội dung khuyến cáo mới đưa vào Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố sẽ đem lại nhiều kết quả tốt. “Những nội dung mới cụ thể, gần gũi sẽ giống như chiếc gương cho mọi người soi vào để căn chỉnh hành vi chuẩn mực hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc đẩy lùi dịch bệnh và phát huy những giá trị văn hóa trong đời sống xã hội”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phân tích.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/966968/xay-dung-van-hoa-ung-xu-noi-cong-cong-trong-giai-doan-moi-giu-gin-phat-huy-nhung-net-dep