XÂY DỰNG VĂN HÓA GIAO THÔNG

Bồi dưỡng, nâng cao chuẩn mực văn hóa giao thông cho các tầng lớp nhân dân không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, thể hiện một quốc gia văn minh, hiện đại...

Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông gia tăng, như: Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều bất cập; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh… Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản là ý thức tự giác chấp hành luật giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Ảnh minh họa.

Xây dựng văn hóa giao thông được coi là một trong những biện pháp quan trọng góp phần giảm tai nạn giao thông. Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa ứng xử nơi công cộng; là tập hợp các hành vi xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông được thể hiện qua hai yếu tố cơ bản: Tính pháp lý và tính cộng đồng. Tính pháp lý trong văn hóa giao thông là hành động của người dân tự giác, gương mẫu chấp hành nghiêm luật giao thông. Các hành vi ứng xử phải đề cao ý thức tự giác và thực hiện đúng quy định của pháp luật, mọi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời. Tính cộng đồng là mối quan hệ, sự ứng xử có đạo đức, đầy tính nhân văn giữa con người với con người trong quá trình tham gia giao thông.

Môi trường xã hội tác động lớn đến việc hình thành, nâng cao ý thức và chuẩn mực văn hóa giao thông của mỗi người dân. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại nhiều biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng văn hóa giao thông, như vẫn còn hiện tượng mãi lộ dẫn tới việc lái xe “nhờn luật”; việc xử lý vi phạm có nơi còn chưa nghiêm, chưa kịp thời. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm, bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông cũng chưa đủ mạnh và thiếu tính răn đe...

Để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý cũng như nâng cao ý thức, chuẩn mực văn hóa giao thông, cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho các đối tượng qua những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày như thói quen đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông cũng như tuân thủ sự điều hành của lực lượng Cảnh sát Giao thông...

Bồi dưỡng, nâng cao chuẩn mực văn hóa giao thông cho các tầng lớp nhân dân không chỉ giúp giảm tai nạn giao thông mà còn góp phần xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, thể hiện một quốc gia văn minh, hiện đại. Vì vậy, xây dựng văn hóa giao thông phải được đặc biệt quan tâm, phải xác định đây là việc làm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài.

PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/xay-dung-van-hoa-giao-thong-524007