Xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo ra hình ảnh đẹp với khách hàng, sự hài hòa, gắn bó bền vững từ nội tại, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Kỷ luật và đồng tâm là một trong ba giá trị cốt lõi để hình thành văn hóa công nhân mỏ.

Văn hóa doanh nghiệp được hiểu là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp; là tổng thể các giá trị và cách ứng xử phụ thuộc lẫn nhau một cách phổ biến, bền vững và bộc lộ ra qua các hoạt động của doanh nghiệp cũng như các thành viên của nó. Sự bộc lộ ấy có thể dễ nhận thấy hoặc ẩn sâu trong tiềm thức mỗi thành viên, phải qua thời gian mới nhận ra được.

Tại Quảng Ninh, các đơn vị ngành Than luôn đi đầu trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc TKV, cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là bản sắc, là sức mạnh tinh thần của doanh nghiệp, thiếu nó doanh nghiệp khó mà tồn tại và phát triển. Một doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp mạnh chính là nội lực chinh phục mọi thử thách. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là xây dựng 4 yếu tố: Những giá trị vật chất và tinh thần, phong cách, các chuẩn mực và các yếu tố hình thức vật chất bên ngoài.

Theo đó, cốt lõi của văn hóa ngành Than là thứ văn hóa của những người làm mỏ tạo ra với 3 giá trị nổi trội khác hẳn với các ngành kinh tế khác, đó là tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm”, “Tình người ngành Than” và “Ý chí kiên cường quật khởi” của thợ mỏ. Ba giá trị cốt lõi ấy được quý trọng, lớp trước truyền lại cho lớp sau, được ngành Than và tỉnh Quảng Ninh phát huy trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng và dựng xây kinh tế. Bề nổi của văn hóa ngành Than là sức mạnh của văn nghệ thể thao luôn được duy trì và phát huy. Cách thức tổ chức sự kiện của TKV cũng khác biệt, tôn trọng từng cá nhân, khơi dậy niềm tự hào, kết nối mọi người để tạo ra các giá trị khác biệt riêng có. Các công ty thành viên cùng chung tay giữ gìn, vun đắp văn hóa chung nhưng cũng kiến tạo những nét phong cách riêng.

TKV tri ân gia đình các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho ngành Than.

Từ góc nhìn thương hiệu, ông Đoàn Thế Xuyên, Chủ tịch Hội Văn hóa doanh nhân Uông Bí, cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là những nét riêng của mỗi doanh nghiệp, cái khác biệt giữa thương hiệu này với thương hiệu khác. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đi liền với xây dựng thương hiệu trong thời đại cách mạng công nghiệp, xây dựng chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp đó. Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã xác định: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa trong kinh doanh với trọng tâm là ý thức thượng tôn pháp luật, quan hệ lao động hài hòa, cạnh tranh lành mạnh, trọng chữ tín, có khát vọng cống hiến và thực hiện trách nhiệm xã hội theo tiêu chí chuyên nghiệp, nhân văn.

Ngoài việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp như một yếu tố nội tại, một số doanh nghiệp đã đưa văn hóa vào sản xuất kinh doanh. Ông Đoàn Thế Xuyên cho biết: Các doanh nghiệp là thành viên của Hội đã đưa văn hóa vào doanh nghiệp, từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm lành mạnh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, lan tỏa những giá trị văn hóa vào giao tiếp xã hội. Kinh doanh làm sao cho giữ chữ tín, không phải tất cả đều chạy theo lợi nhuận. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững được thì tất yếu phải là doanh nghiệp văn hóa.

Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động cũng là một cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong ảnh: Trường Mầm non của Công ty CP Gốm Đất Việt.

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bình Khánh, có trụ sở tại phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên, đơn vị được tôn vinh là Doanh nghiệp văn hóa, cho rằng, muốn đạt danh hiệu này, Công ty phải đảm bảo tốt mọi chế độ, tạo điều kiện làm việc trong môi trường tốt, an toàn và sạch sẽ, không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng. Mỗi thành viên phải tích cực xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ứng xử để anh em công nhân không chỉ có thu nhập ổn định mà còn có đời sống gia đình đầm ấm, hòa thuận và hạnh phúc.

Trở lại vấn đề này trong ngành Than, nhiều năm qua, các đơn vị thành viên của TKV đã rất coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, coi đây là chìa khóa để phát triển bền vững. Các công ty đều tuyên truyền, phổ biến để mỗi cán bộ, nhân viên công ty thấm nhuần quy chế, quy định, tự xây dựng cho mình văn hóa ứng xử, tác phong công nghiệp, văn minh thương mại. TKV chăm lo tốt thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội nhằm bồi đắp truyền thống tốt đẹp, tạo dựng uy tín, niềm tin đối với khách hàng, khuyến khích các công ty, công trường, phân xưởng tiến hành thi đua thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo sự đoàn kết, nhất trí, sáng tạo và tính chủ động của công nhân.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201812/xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-2414117/