Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững

Ngày 13 tháng 9 năm 2018, tại Sơn La, Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động 'Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam' (BTC 248) phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động với 7 tỉnh khu vực Tây Bắc.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Hồ Anh Tuấn- Trưởng ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch; ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La. Tham dự hội nghị còn có các thành viên BTC 248, đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các Hiệp hội, các doanh nghiệp của 7 tỉnh khu vực Tây Bắc gồm: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ.

Ông Hồ Anh Tuấn Trưởng ban tổ chức 248-Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ VHTTDL khai mạc hội nghị

Ông Hồ Anh Tuấn Trưởng ban tổ chức 248-Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ VHTTDL khai mạc hội nghị

Triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng phát động ngày 7/11/2016 với mục đích khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đưa Cuộc vận động đi vào đời sống cộng đồng doanh nghiệp; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh, phổ biến và nhân rộng các tổ chức doanh nghiệp và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động. Hội nghị triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động với 7 tỉnh khu vực Tây Bắc tại Sơn La là sự tiếp nối thành công từ Hội nghị đã được tổ chức tại Thừa Thiên Huế và Quảng Ninh của BCĐ 248 trong việc triển khai Cuộc vận động.

Trong lời phát biểu chào mừng, ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Sơn La là tỉnh có diện tích tự nhiên 14.174 km2, dân số trên 1,2 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em, tạo thành nền văn hóa phong phú, đầy bản sắc dân tộc. Về kinh tế, năm 2017, khu vực dịch vụ chiếm 40,3%, khu vực công nghiệp- xây dựng 33,6%, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,1%… Xác định rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sơn La đã và đang nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hội nghị xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam là cơ hội để tỉnh Sơn La được tiếp đón, giới thiệu và trao đổi với các tỉnh, các hiệp hội, hội doanh nghiệp về xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Sau bài phát biểu của bà Ninh Thị Thu Hương- Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Chánh Văn phòng, Thường trực BCĐTW phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thành viên BCĐ 248 và PGS.TS Phạm Thị Tuyết- Văn phòng Thường trực BCĐ 248, Hội nghị tập trung tọa đàm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững từ các diễn giả, chuyên gia, doanh nhân và các đại biểu tham dự hội nghị.

Với tham luận “Văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh công nghiệp 4.0” của PGS.TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Văn hóa kinh doanh, các đại biểu được củng cố thêm tri thức, hiểu biết về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết và các giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua chia sẻ: Cái khó của doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay là vấn đề nhân lực, vốn, thị trường, về thể chế và cả năng lực giải quyết của cán bộ công chức đối với các yêu cầu của doanh nghiệp. Trong cái khó đó, doanh nghiệp muốn thành công đều phải coi việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt, quyết định. Doanh nghiệp nào có văn hóa thì thành công, và ngược lại. Văn hóa doanh nghiệp chính là đạo đức. Đạo đức đó là nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng. Phải xây dựng được niềm tin, có niềm tin rồi phải giữ trọn. Phải tính đến quyền lợi cho cán bộ, nhân viên, làm họ yên tâm, phấn khởi, chủ động, sáng tạo trong công việc. Làm như thế, họ sẽ trở thành bàn tay thứ hai của người đứng đầu. Khi tạo được sự đồng thuận, tạo hòa khí, sẽ biến khó thành dễ, biến thất bại thành thành công.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng ban tổ chức 248 phát biểu chào mừng hội nghị

Phát biểu hưởng ứng triển khai Cuộc vận động, thay mặt 7 tỉnh khu vực Tây Bắc, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: không có văn hóa, cái gì cũng thất bại. Có văn hóa để có chữ tín, văn hóa là vĩnh hằng. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không ngoài mục tiêu đó. Tổ chức hội nghị với 7 tỉnh có nhiều sự tương đồng, đây là hội nghị hợp lý, sáng tạo và đúng tầm. Với Lào Cai, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự lập tự cường là văn hóa để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Lào Cai sẽ tạo môi trường thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tại địa phương làm ăn phát tài.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BTC 248, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” là thực hiện cho tốt 5 nội dung chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp. Thứ 2, xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp bách để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Thứ 3, phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội. Thứ 4, làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp lao động sáng tạo. Thứ 5, nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ công nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc.

Ông Hồ Anh Tuấn Trưởng ban tổ chức 248-Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, ký kết chương trình triển khai xây dựng Văn hóa doanh nghiệp với 7 tỉnh khu vực Tây Bắc tại tỉnh Sơn La

Tại Hội nghị này, chúng tôi muốn gửi tới các đồng chí có trách nhiệm ở địa phương, cộng đồng doanh nghiêp 7 tỉnh Tây Bắc thông điệp: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, là linh hồn của thương hiệu, đó chính là tài sản vô giá của doanh nghiệp.

Hội nghị ghi nhận nhiều tham luận, trao đổi rất thẳng thắn, sôi nổi và trách nhiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ các nhà quản lý, nhà nghiên cứu lý luận và các doanh nhân. Chúng ta đã đi đến một thống nhất chung, đó là, xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Sau hội nghị, các địa phương 7 tỉnh khu vực Tây Bắc cùng BTC 248 cần tích cực triển khai hưởng ứng Cuộc vận động một cách cụ thể, thiết thực và thực chất – ông Hồ Anh Tuấn khẳng định.

Theo vanhoadoanhnghiep.vn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-vi-su-phat-trien-ben-vung-325267.html