Xây dựng văn hóa doanh nghiệp - văn hóa doanh nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Cần gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh với chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp để phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa, vai trò nhân tố con người, phát huy sức mạnh nội sinh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Những thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa con người và đường lối xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế được thể hiện tập trung trong hai nghị quyết TW5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bàn sắc dân tộc và nghị quyết TW 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Do đó khi bàn về vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta cần quán triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong hai văn kiện có ý nghĩa như chiến lược. Văn hóa của Đảng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Với phương pháp tiếp cận trên, xin được bắt đầu từ thống nhất nhận thức về văn hóa, văn hóa doanh nghiệp và xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Biểu dương doanh nhân văn hóa xuất sắc thời kỳ đổi mới.Ảnh minh họa. Nguồn: pvnc2.com.vn

Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do lao động của con người sáng tạo nên và tích lũy lại, làm nên bản sắc của từng dân tộc, từng cộng đồng, từng tổ chức, đơn vị doanh nghiệp. Đó là “Thiên nhiên thứ 2” do con người sáng tạo ra, làm nên các giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Văn hóa là sự hiểu biết, là khả năng, tiềm năng sáng tạo mà con người tích lỹ được trong quá trình học tập, lao động và đấu tranh.

Văn hóa là trình độ phát triển các quan hệ nhân tính của một xã hội, của mỗi con người, nó được cộng đồng khẳng định thành một hệ giá trị mà chuẩn mực cơ bản là Chân – Thiện – Mỹ.

Văn hóa xác định trình độ nhân văn của một nền văn minh. Khái niệm văn hóa có nhiều thành tố trùng với khái niệm văn minh, cho nên trong nhiều trường hợp người ta thường đồng nhất hai khái niệm này. Tuy nhiên, giữa văn hóa và văn minh có điểm khác biệt quan trọng, khi sử dụng khái niệm văn minh là muốn nhấn mạnh đến trình độ vật chất, kỹ thuật trong nền văn hóa của một xã hội, một thời đại, còn văn hóa xác định trình độ nhân văn trong một nền văn minh.

Văn hóa là mục tiêu, là động lực, nguồn lực nội sinh, là hệ điều chỉnh cho sự phát triển bền vững của một dân tộc, một xã hội, một địa phương, doanh nghiệp gia đình… Cái cốt lõi, tinh túy của văn hóa là hệ giá trị nhân cách cao đẹp kết tinh trong các thế hệ con người của dân tộc, nhân loại.

Cần quán triệt và nhận thức sâu sắc: Văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực phát triển kinh tế. Trong thời đại kinh tế tri thức, nguồn gốc của sự phát triển kinh tế không chỉ là tài nguyên thiên nhiên, vốn, kỹ thuật. Yếu tố có ý nghĩa quyết định là nguồn lực con người, là tiềm năng sáng tạo của con người. Tiềm năng này nằm trong văn hóa trong trí tuệ, đạo đức tâm hồn, nhân cách, lối sống, trong ý chí, nghị lực, bản lĩnh, tài năng, tay nghề của mỗi cá nhân và cả cộng đồng trong từng doanh nghiệp, từng ngành, và của cả quốc gia dân tộc. Cần nhận thức sâu sắc và xử lý tốt mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, văn hóa và phát triển trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là mối quan hệ biện chứng của nền tảng tinh thần và nền tảng vật chất của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ văn hóa là một trong bốn vấn đề chủ yếu của đời sống xã hội, đó là chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và bốn vấn đề này ngang hàng với nhau, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, chính trị, xã hội có được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng, xây dựng kinh tế để tạo điều kiện phát triển văn hóa, ngược lại văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế.

Từ lý luận và lịch sử phát triển của các quốc gia dân tộc đều cho thấy văn hóa và phát triển có mối quan hệ mật thiết đến cuộc sống hiện tại và tương lai của mối quốc gia, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và mối gia đình.

Trong cương lĩnh (bổ sung, sửa đổi) được Đại hội XI thông qua, Đảng ta đã có quan điểm chỉ đạo xây dựng và xử lý mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” (1)

Đến nghị quyết TW 9 khóa XI, Đảng ta cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo này thành mục tiêu của định hướng chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt nam: “Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh” (Nghị quyết 33 NQ/TW ngày 09/6/2014, Hội nghị TW9 khóa XI).

Từ mục tiêu này, Đảng ta xác định nhiệm vụ: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững và bảo vệ tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế” (NQ số 33-NQ/TW9 khóa X).

Ngày nay, toàn cầu hóa là xu thế khách quan trước hết trên lĩnh vực kinh tế ngày càng tác động mạnh lên mọi mặt đời sống của tất cả các quốc gia dân tộc. Toàn cầu hóa không chỉ diễn ra quá trình vừa hợp tác, liên kết vừa cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt về kinh tế mà còn là một quá trình gia tăng sự giao lưu, hợp tác và cạnh tranh toàn cầu về văn hóa. Sức mạnh văn hóa (thực lực mềm) đã trở thành thước đo đánh giá sức mạnh tổng hợp của từng quốc gia trong cạnh tranh quốc tế.

Bước sang thế kỷ XXI, mối quan hệ kinh tế và văn hóa khăng khít không thể tách rời theo hướng sự gia tăng, sự thẩm thấu của văn hóa đối với kinh tế, gia tăng tỷ trọng các giá trị văn hóa trong các ngành kinh tế, trong các doanh nghiệp, trong tất cả các sản phẩm hàng hóa.

Thời kỳ mới này đang chứng kiến quá trình văn hóa hóa kinh tế đảm bảo cho từng doanh nghiệp, từng ngành kinh tế, từng quốc gia và toàn bộ nền kinh tế thế giới phát triển bền vững.

Đến nghị quyết TW9 khóa XI, nhận thức của chúng ta về phát triển bền vững thể hiện trong công thức tổng thể sau:

Phát triển đất nước, phát triển kinh tế xã hội, phát triển doanh nghiệp = Tăng trưởng kinh tế + tiến bộ công bằng xã hội + phát triển con người toàn diện + phát triển nguồn nhân lực + bảo vệ môi trường. Đây là quan niệm phát triển hiện đại và hoàn thiện nhất, nó hướng tới sự phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững. Trong quan niệm này, quan hệ nhân tính giữa con người với con người, với xã hội, với bản thân mình và với tự nhiên tức là với văn hóa, với cấu trúc đầy đủ của văn hóa đã có mặt trong phát triển và là sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững, đồng thời nó còn là hệ điều tiết sự phát triển của xã hội, của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp.

Những yếu kém, bất cập của văn hóa trong thời gian qua, nhất là sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên và nhân dân là một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự phát triển không bền vững hiện nay. Là nguyên nhân sâu xa cắt nghĩa sự tiếp tục tụt hậu kinh tế của nước ta. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hàng trăm nghìn doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản trong thời gian qua.

Giáo sư G.F.Smooth đã cảnh báo rất sâu sắc: “Một quốc gia hy sinh việc đầu tư nguồn nhân lực và chỉ chăm chăm vào tăng trưởng thì sớm muộn gì cũng sẽ tụt lại rất xa”.(2)

Thực hiện mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước, phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế; để tận dụng mọi thời cơ, vận hội, vượt qua mọi thách thức, khó khăn, hơn 600.000 doanh nghiệp Việt Nam (đến năm 2020, Việt Nam sẽ có một triệu doanh nghiệp) cần gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh của mình với chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp để phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa, vai trò nhân tố con người, phát huy sức mạnh nội sinh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Để bắt đầu xây dựng hoặc bổ sung, hoàn thiện kế hoạch xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trên cơ sở thống nhất các quan niệm về văn hóa, vị trí, vai trò của văn hóa quán triệt xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và kinh tế giữa văn hóa và phát triển, nhất là quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong Nghị quyết Trung ương 9, khóa XII cần coi trọng mấy điểm sau:

- Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bên vững đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, có lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tính, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

- Xây dựng động bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

- Trong 6 nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần quán triệt và vận dụng tốt các nhiệm vụ sau: Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện: Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, thiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp văn hóa.

- Từ những nhận thức trên đây, khi đưa ra khái niệm văn hóa doanh nghiệp thì khái niệm đó phải thể hiện được những nội hàm chủ yếu sau: hệ giá trị do lao động sáng tạo ra những giá trị cao đẹp và làm nên bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp, là tiềm năng, là khả năng sáng tạo được tích lũy và phát huy tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển sáng tạo của doanh nghiệp, hệ giá trị văn hóa doanh nghiệp này phải trở thành hệ điều tiết sự phát triển bến vững của doanh nghiệp. Với định hướng như vậy, xin được đưa ra quan niệm về văn hóa doanh nghiệp:

- Tinh túy nhất của văn hóa doanh nghiệp là những phẩm chất, những giá trị văn hóa đẹp mà các thành viên trong doanh nghiệp tự giác công nhận, tiếp nhận và hình thành phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống của mọi thành viên trong công ty, doanh nghiệp. Những phẩm chất chủ yếu đó là:

+ Lòng yêu nghề, yêu công ty, doanh nghiệp trở thành niềm tự hào, tự tôn, tự trọng đối với danh hiệu, thương hiệu, triết lý kinh doanh, với chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, thành tinh thần phấn đấu cho sự phát triển bên vững của đoanh nghiệp.

+ Thượng tôn pháp luật

+ Tinh thần chủ động liên kết, hợp tác, phối hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của mọi thành viên trong từng dây chuyền, từng phân xưởng, từng phòng ban và giữa các tập thể các đơn vị trong toàn công ty.

+ Tinh thần ham học tập, cầu tiến bộ, làm chủ công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, không ngừng nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

+ Tinh thần lao động chăm chỉ, sáng tạo với lương tâm nghề nghiệp.

+ Có lòng nhân ái, trọng nghĩa tình, đạo lý, trọng chữ tín, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương của công ty và luật pháp trong các quan hệ giữa các thành viên doanh nghiệp với nhau, giữa công nhân viên với cán bộ quản lý, giữa công ty với các doanh nghiệp khác, giữa công ty với hệ thống quản lý nhà nước, giữa công ty với xã hội.

+ Có phong cách sống công nghiệp – văn hóa doanh nghiệp là tất cả những giá trị, những phẩm chất cao đẹp này trở thành nền tảng tinh thần cho hành vi ứng xử văn hóa giữa các thành viên trong doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa doanh nghiệp với xã hội.

- Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các hoạt động sáng tạo của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp nhằm tạo ra các giá trị kết tinh trong các sản phẩm vật chất, tinh thần trong thương hiệu của các doanh nghiệp. Những thương hiệu này là đại diện, là biểu hiện cho những giá trị về sức sáng tạo, tính kỷ luật, liêm chính, chuyên nghiệp, trách nhiệm xã hội, tính nhân văn, trách nhiệm môi trường. Quá trình lao động sáng tạo diễn ra trong môi trường văn hóa lành mạnh của doanh nghiệp lại góp phần bồi dưỡng, phát triển các phẩm chất văn hóa cao đẹp cho mọi thành viên doanh nghiệp. Biểu tượng văn hóa của doanh nghiệp là thương hiệu doanh nghiệp, uy tín sản phẩm, là giá trị của triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp, biểu tượng văn hóa doanh nghiệp là hình ảnh uy tín văn hóa của chủ doanh nghiệp – doanh nhân.

Ngày 07/11/2016, trong bài phát biểu phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định: “Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp.”

Nếu nhận thức văn hóa doanh nghiệp là một số vấn đề chủ yếu nêu trên thì nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần được thực hiện từ 2 chủ thể sau đây:

- Nhà nước: Cần thể chế hóa Nghị quyết TW 9 khóa XI, tức là cần thể chế hóa mục tiêu, 5 quan điểm chỉ đạo, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người, bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước nhằm đưa Nghị quyết này thành hiện thực trong cuộc sống. Hiệu quả thực hiện nghị quyết này thực sự tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực, về môi trường xã hội, về môi trường pháp luật, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế, về thể chế và thiết chế văn hóa cho việc xây dựng, hình thành, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Sớm xây dựng và ban hành các chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế, gắn chặt với đẩy mạnh xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thiện thị trường văn hóa, tất cả sẽ tạo điều kiện, cơ sở, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

- Các doanh nghiệp: Trên cơ sở triết lý kinh doanh và chiến lược sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ 2016 -2025 xây dựng hệ thống tiêu chí phẩm chất văn hóa của các thành viên doanh nghiệp, xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để hình thành và phát triển các phẩm chất văn hóa trên cho mọi cán bộ, công nhân viên trong công ty. Có kế hoạch xây dựng và hoạt động có hiệu quả thiết chế văn hóa của doanh nghiệp như chế độ sinh hoạt dân chủ cơ sở trong công ty, chế độ thông tin thời sự, phúc lợi xã hội của doanh nghiệp, chế độ khen thưởng, kỷ luật. Các thiết chế văn hóa, thể thao…

Chủ doanh nghiệp có vai trò quyết định trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp bởi họ ra quyết định và trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện; họ trực tiếp giáo dục, thuyết phục và nêu gương cho mỗi cán bộ công ty, nhân viên của doanh nghiệp phần đấu xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải tập trung xây dựng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp, vì thương hiệu là kết tinh các giá trị văn hóa của từng thành viên và của cả doanh nghiệp vào trong từng sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngày 07/11/2016, Nhân ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã phát động cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam với 5 nội dung sau:

- Một là: Nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng về vai trò văn hóa doanh nghiệp trong công đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp Việt Nam từ khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Hai là: Xây dựng và phát triển nền tảng văn hóa doanh nghiệp Việt nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Ba là: Phát huy tích cực, đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội.

- Bốn là: Lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật bảo đảm công khai minh bạch cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lao động sáng tạo.

- Năm là: Nâng cao văn hóa tinh thần, tăng cường thể lực cho cán bộ, nhân viên và người lao động thông qua xây dựng các thiết chế văn hóa và môi trường làm việc.

Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban tổ chức cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Hơn lúc nào hết các cấp ủy, các bộ ngành cần phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức cuộc vận động để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa cho sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới.

---------------------------------------------

1- Đảng Cộng sản Việt Nam – Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nộ 2011 – Trang 75 -76

2- Báo Thanh Niên 09 - 8 - 2015

PGS, TS. Đào Duy Quát

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-van-hoa-doanh-nhan-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te-502531.html