Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Chưa thoát khỏi tư duy số lượng, thành tích

Đây là thực trạng được các đại biểu phản ánh tại Hội thảo tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 8/12.

Ảnh minh họa

Nhiều trăn trở

Đánh giá hơn 1 năm tổ chức triển khai Luật này cho thấy, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã có chuyển biến. Quy trình lập pháp mới cùng với các yêu cầu cao hơn của Luật đã được các cấp, ngành nghiêm túc, nỗ lực thực hiện. Chất lượng hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản, cũng như chất lượng hồ sơ, dự án VBQPPL đã được nâng cao so với trước đây. Tuy nhiên, tại hội thảo các đại biểu cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình thực hiện Luật này.

Trong đó, phải kể đến chất lượng công tác phổ biến, tập huấn tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra; việc bố trí kinh phí cho hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL chưa kịp thời, đầy đủ và thống nhất; công tác rà soát, bố trí cán bộ đủ năng lực làm công tác xây dựng VBQPPL nói chung và công tác pháp chế nói riêng chưa được chú trọng.

Việc không quy định phòng pháp chế trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn đã gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong việc xây dựng, củng cố, kiện toàn phòng pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2001 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Đánh giá về việc triển khai Luật Ban hành VBQPPL, đại diện Sở Tư pháp Tuyên Quang thẳng thắn nói: Chất lượng văn bản đã được quan tâm, thời hạn ban hành cũng nhanh hơn, đúng tiến độ. Đặc biệt khi Giám đốc Sở Tư pháp là chủ tịch hội đồng thẩm định thì không có văn bản nào lọt.

Song việc xây dựng văn bản pháp luật chưa được các ngành, địa phương thực sự được quan tâm.“Có nhiều cuộc họp thẩm định chất lượng văn bản mời liên ngành có liên quan dự, có đại biểu dù chưa nghiên cứu văn bản nhưng đã phát biểu là văn bản không cần thiết. Thậm chí có nhiều văn bản dù trong quá trình thẩm định, Sở Tư pháp có công văn mời lên để chỉ ra những điểm chưa được cần sửa đổi nhưng người đứng đầu không đi dự mà cử chuyên viên đi. Kết quả là Sở Tư pháp đã có ý kiến cần sửa điểm này thế nhưng sau 3 lần vẫn sai. Đây là sự vô trách nhiệm rất lớn”- Đại diện Sở Tư pháp Tuyên Quang nhấn mạnh.

Luật cần có thời gian đi vào đời sống

Trước ý kiến trên, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp Võ Văn Tuyển cho biết, sau hơn 1 năm thi hành Luật và Nghị định số 34, các bộ, ngành, địa phương đã tuân thủ và thực hiện tương đối đầy đủ. Nhờ đó chất lượng của VBQPPL đã được cơ quan soạn thảo chú trọng hơn.

Song do Luật Ban hành VBQPPL có nhiều điểm mới, đưa ra những yêu cầu cao hơn đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, tư duy xây dựng pháp luật chưa được đổi mới triệt để, chưa bắt kịp những yêu cầu mới của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL. Trong đó nhiều cơ quan soạn thảo chỉ chú trọng đến việc hoàn thành chương trình mà không quan tâm đến chất lượng dự thảo. Đáng lo ngại có một số cơ quan chủ trì ngại tâm lý đổi mới, đặc biệt là xây dựng, đánh giá tác động của chính sách trước khi soạn thảo.

“18 tháng là quá ngắn để pháp luật đi vào đời sống, để người làm công tác xây dựng pháp luật thay đổi thói quen và tư duy lập pháp đã ăn sâu, bám rễ trong suốt thời gian dài. Do vậy, cần có thời gian để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Luật – ông Tuyển nhấn mạnh.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/xay-dung-van-ban-quy-pham-phap-luat-chua-thoat-khoi-tu-duy-so-luong-thanh-tich-tintuc388365