Xây dựng và sửa chữa hàng ngàn ngôi nhà cho gia đình người có công

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật đối với NCC ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm mở rộng cả về chế độ trợ cấp và các chế độ ưu đãi khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, nhà ở cho NCC và thân nhân... đã góp phần nâng cao đời sống NCC, và cũng thông qua đó làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi, thực hiện chế độ đối với NCC.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và Bảo vệ Tổ quốc, tỉnh có trên 160.000 đối tượng chính sách, trong đó có trên 30.000 liệt sĩ, trên 26.000 thương binh, gần 2.000 bệnh binh, hơn 500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 3.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 27.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 25.000 NCC giúp đỡ cách mạng, trên 2.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, cả tỉnh có 5.313 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (trong đó có 1.041 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 385 Mẹ).

Trong những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, NCC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NCC.

Bình Định đã triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NCC, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận NCC với cách mạng. Từ năm 2013 - 2017 đã tập trung triển khai và thẩm định, xét duyệt giải quyết các chế độ, chính sách cho hơn 14.353 đối tượng NCC và thân nhân được hưởng trợ cấp, trong đó có 3.265 mẹ được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh việu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện nay các Mẹ VNAH còn sống đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Khối thi đua Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình bà Trần Thị Hồng Vân, 69 tuổi, ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn là hội viên Hội cựu Thanh niên xung phong có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhân kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2018).

Công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với NCC với cách mạng và việc thực hiện vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt được nhiều kết quả. Đã huy động các nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng NCC với cách mạng. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt phát động cán bộ, nhân dân và các doanh nghiệp đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 22 tỷ đồng.

Việc thực hiện hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở, giai đoạn 2012-2016 toàn tỉnh có 2.667 hộ NCC với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở (xây mới 1.914 căn, sửa chữa 753 căn), với kinh phí 89,426 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở đối với NCC, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 1.990 căn nhà (xây mới 1.232 căn, sửa chữa 767 căn), với kinh phí là 64,26 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ giai đoạn II (từ năm 2016-2020) với tổng số nhà cần được hỗ trợ xây dựng 4.949 căn (xây mới 2.356 căn, sửa chữa 2.593căn). Ngoài nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, năm 2017 từ nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 650 nhà cho những gia đình thuộc diện chính sách có nhà ở bị dột nát, hư hỏng bị ảnh hưởng trong 5 đợt lũ lụt năm 2016 với tổng kinh phí 26 tỷ đồng ủng hộ (ngoài ngân sách nhà nước).

Công tác mộ - nghĩa trang liệt sĩ cũng được tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp hàng năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 105 nghĩa trang ghi công liệt sỹ và là nơi an táng của 30.230 liệt sỹ. Trong 5 năm qua, ngoài nguồn kinh phí 32,2 tỷ do Bộ LĐ-TB&XH phân bổ, các địa phương huy động kinh phí từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện công tác tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ và mộ liệt sỹ. Đồng thời vận động nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động để vệ sinh, tu bổ một số hạng mục bảo đảm các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh khang trang, sạch đẹp.

Việc quản lý đối tượng, quản lý tài chính ưu đãi NCC từng bước được hoàn thiện, thông qua các chương trình phần mềm quản lý, công tác quản lý đối tượng ngày càng chặt chẽ, thực hiện chế độ đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, hạn chế sai sót, thất thoát ngân sách trong lĩnh vực NCC.

Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Hàng năm, ngành LĐ-TB&XH đều xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với NCC với cách mạng tại 2 đến 3 địa phương, đơn vị. Qua đó, đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, sai phạm, đảm bảo việc giải quyết chế độ cho NCC được thực hiện đúng đối tượng, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn, hạn chế sai sót xảy ra và tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

NGỌC MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/binh-dinh-xay-dung-hang-ngan-ngoi-nha-tinh-nghia-d80506.html