Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm kẹo nhãn Lang Chánh

Kẹo nhãn là loại kẹo truyền thống của huyện Lang Chánh, có mùi vị thơm ngon, giòn tan. Sản phẩm truyền thống này mang lại thu nhập cao cho người sản xuất, tạo việc làm và góp phần quảng bá hình ảnh con người và vùng đất Lang Chánh gắn với du lịch sinh thái thác Ma Hao, du lịch tâm linh chùa Mèo.

Một cơ sở sản xuất kẹo nhãn tại thị trấn Lang Chánh.

Do vậy, UBND huyện Lang Chánh đã xây dựng và đề xuất UBND tỉnh phê duyệt dự án phát triển thương hiệu kẹo nhãn, dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh. Sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 3363/QĐ-UBND ngày 4-9-2015, UBND huyện Lang Chánh ký hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ số 620/HĐ-SKHCN-CT68-TH/2016-2020 với Sở KH&CN ngày 27-7-2016 về việc thực hiện dự án: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Kẹo nhãn Lang Chánh” (KNLC), nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm truyền thống của địa phương. Đồng thời, UBND huyện Lang Chánh đã thành lập Hội Kẹo nhãn thị trấn Lang Chánh để giữ vai trò điều tiết, đầu mối trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Qua 3 năm xây dựng thương hiệu, đến nay, sản phẩm “KNLC” của Hội Kẹo nhãn thị trấn Lang Chánh đã từng bước hình thành được chuỗi giá trị cung cấp khép kín ra thị trường. Với 17 cơ sở sản xuất thường xuyên, 11 điểm bán lẻ tại thị trấn Lang Chánh; liên kết với 9 đại lý bánh kẹo và thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong hội tại các địa phương trong tỉnh như: TP Sầm Sơn (2 điểm), Hoằng Hóa (2 điểm), thị xã Nghi Sơn (1 điểm); tại các tỉnh, thành phố: TP Hà Nội (2 điểm), TP Hồ Chí Minh (2 điểm); những điểm bán hàng thông qua kênh hệ thống của một số khách sạn Mường Thanh, Thiên Ý... Theo đó, tính riêng năm 2019, tổng doanh thu của Hội Kẹo nhãn thị trấn Lang Chánh đạt 6,5 tỷ đồng, tăng 3,25 lần so với năm 2015; chiếm 80% lượng sản phẩm kẹo nhãn của cả huyện; thu nhập bình quân của người lao động đạt 4,5 triệu đồng/tháng/lao động, tăng 28,5% so với năm 2015. Tổng sản lượng kẹo nhãn trong hội đã tiêu thụ năm 2019 ước đạt 65 tấn, tăng 160% so với năm 2015.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm, Hội Kẹo nhãn thị trấn Lang Chánh đã xác định khâu sản xuất, chất lượng sản phẩm là cái gốc của mọi vấn đề. Do vậy, các cơ sở sản xuất luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, lựa chọn khắt khe từ sản phẩm đầu vào để tạo ra viên kẹo nhãn chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời chú trọng đến khâu đầu ra: Kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì, tem nhãn, quản lý chuỗi các cửa hàng và bán lẻ đến tay khách hàng. Việc lưu mẫu và ghi chép nhật ký sản xuất của từng hộ được thực hiện nghiêm túc. Việc tuyên truyền, phổ biến các quy chế của hội và các quy định của Nhà nước liên quan đến sản phẩm kẹo nhãn được hội thực hiện thường xuyên. Do vậy, chất lượng sản phẩm ổn định và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm luôn được đảm bảo.

Đặc biệt, việc tạo dựng thương hiệu “KNLC” luôn được huyện Lang Chánh chú trọng, thông qua việc hỗ trợ cho Hội Kẹo nhãn thị trấn Lang Chánh vận hành các kênh thương mại quảng bá sản phẩm như: hỗ trợ kinh phí cho hội tham gia các hội chợ, các hội nghị kết nối cung cầu do UBND tỉnh tổ chức; quảng bá tại các lễ hội, dịp khai trương các khu du lịch trong tỉnh như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa; xây dựng trang web quảng bá thương hiệu “KNLC”, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể với Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký mã vạch cho từng loại sản phẩm của hộ gia đình; giá cả sản phẩm được niêm yết công khai trên trang web của hội và thông tin trên mã vạch sản phẩm. Đồng thời, huyện cũng đã nghiên cứu, thay đổi bao bì, cách đóng hộp cho các sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, nhận diện sản phẩm và thuận tiện cho người tiêu dùng. Ngoài ra, chú trọng xây dựng chuỗi cửa hàng mang thương hiệu “KNLC”, với cách thức nhận diện cửa hàng, địa điểm đặt, con người mang tính đặc trưng, qua đó tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng.

Với những kết quả đạt được, năm 2017, Bộ KH&CN phê duyệt danh mục dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm “KNLC”. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm “KNLC”, từ một đặc sản truyền thống nổi tiếng phát triển thành một thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chống hàng giả, hàng nhái, cũng như phục vụ phát triển du lịch.

Xây dựng và phát triển thương hiệu “KNLC” là một hướng đi đúng. Việc làm này không chỉ tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường, giải quyết được việc làm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của địa phương. Để tiếp tục củng cố và phát triển thương hiệu “KNLC”, thời gian tới, huyện Lang Chánh chú trọng công tác quảng bá cho sản phẩm; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với chương trình OCOP của địa phương, hướng đến xây dựng làng nghề kẹo nhãn truyền thống; thực hiện việc liên kết với các đơn vị sản xuất khác để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị; xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng; đầu tư liên kết hoặc mở các chuỗi cửa hàng bán lẻ để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm tại các trung tâm thành phố và các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-san-pham-keo-nhan-lang-chanh/129884.htm