Xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch

Trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa trở lại, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu của khách được xem là 'chìa khóa', giúp du lịch từng bước vượt qua khó khăn để nhanh chóng phục hồi, phát triển.

Biểu diễn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) thu hút khách tham dự.

Biểu diễn trong Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) thu hút khách tham dự.

Theo các chuyên gia, sau thời gian dài ngưng trệ, thị trường và tâm lý khách du lịch đều có nhiều thay đổi, nhất là khi hoạt động du lịch đang được nối lại do tình hình dịch từng bước được kiểm soát. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhận định: Hành vi tiêu dùng của du khách đã có sự thay đổi theo hướng lựa chọn những điểm đến xanh, an toàn, đi theo nhóm nhỏ, gần nhà, đặt dịch vụ trực tuyến, thời gian đặt trước dịch vụ ngắn và có sự tăng lên về nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Ðể thu hút du khách, sản phẩm du lịch cần đáp ứng những xu hướng thay đổi nêu trên, trong khi vẫn phải có yếu tố độc đáo, hấp dẫn. Sự khác biệt, đặc sắc của sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường du lịch. Sự khác biệt có thể đến từ việc phát hiện những giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch, hoặc được tạo ra từ sự sáng tạo hay liên kết của nhiều doanh nghiệp du lịch.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng: Muốn khởi động lại du lịch sau thời gian "ngủ đông" quá dài, nhất thiết phải có yếu tố mới. Thay vì giảm giá dịch vụ, giờ đây du khách quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm du lịch có chiều sâu, có tính cá biệt hóa cao với nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Khi thị trường du lịch nối lại, đối tượng hưởng ứng sẽ không phải những người chưa từng du lịch mà phần lớn là những người yêu thích du lịch bị kìm nén nhu cầu trong thời gian dài, họ đã quen thuộc với những sản phẩm thông thường cho nên cần được tiếp cận những sản phẩm mới. Sản phẩm du lịch mới có thể được xây dựng với điểm đến mới; hoặc điểm đến cũ nhưng gia tăng những trải nghiệm mới; hoặc tạo ra những phong cách du lịch mới…

Thời gian qua, đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu du lịch của du khách, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo khách du lịch. Ðơn cử, Hanoitourist đã phối hợp Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò xây dựng tua đêm "Ðêm thiêng liêng-Sáng ngời tinh thần Việt", "Ðêm thiêng liêng-Sống như những đóa hoa"; hợp tác cùng Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long ra mắt sản phẩm du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long"; và hợp tác với Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu hành trình du lịch khám phá "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" và "Bác Cổ-Mùa hoa gạo".

Hội Lữ hành Hà Nội cũng đã phối hợp Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGREEN triển khai sản phẩm du lịch mới "Caravan Tây Bắc-mùa ban nở", kết nối Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Bắc; và tua đêm tại Khu Di tích lịch sử Ðền Hùng mang chủ đề "Trở về cội nguồn-Linh thiêng Ðất Tổ". Với thông điệp "Sản phẩm mới-phong cách mới-trải nghiệm mới", Flamingo Redtours đang làm mới hàng loạt hành trình du lịch trên cơ sở bổ sung điểm đến mới hoặc gia tăng trải nghiệm cho các hành trình; đẩy mạnh khai thác các tua trọn gói đến các tuyến biển mới, hoang sơ như: đảo Ðiệp Sơn (Nha Trang-Ðảo Ðiệp Sơn-Dốc Lết); đảo Phú Quý (Sài Gòn-Phan Thiết-Phú Quý); đảo Cồn Cỏ (Quảng Bình-Quảng Trị-đảo Cồn Cỏ)... Ðặc biệt, công ty cũng vừa xây dựng bộ sản phẩm chuyên biệt về giáo dục học đường "Flamingo Education Camping" dành riêng cho học sinh với mong muốn các em được giải tỏa căng thẳng, áp lực, triển khai theo bốn chủ đề: Giáo dục truyền thống lịch sử; thiên nhiên môi trường; kỹ năng sống; nghệ thuật.

Trong khi đó, bên cạnh vận hành những tua du lịch mạo hiểm dành cho nhóm nhỏ, Công ty Oxalis đã xây dựng thêm hành trình thám hiểm rừng sâu trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để tìm hiểu về đời sống của các loài thú trong rừng qua quan sát dấu chân, thức ăn… để tăng cường trải nghiệm của du khách và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã.

Hướng đến xây dựng thương hiệu điểm đến xanh, một loạt sản phẩm du lịch xanh cũng đã được các doanh nghiệp ở Quảng Nam vận hành, nhận được đánh giá cao từ du khách như mô hình du lịch nông nghiệp hữu cơ, tua du lịch xanh tuần hoàn và tái chế… Ðặc biệt, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã giới thiệu sản phẩm du lịch rất mới với khinh khí cầu, bao gồm ba hoạt động: Bay trải nghiệm ngắm cảnh Hà Nội từ trên cao, đêm hoa đăng khinh khí cầu và tham quan trong lòng khinh khí cầu.

Cùng với đó là Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Tuyên Quang, Ngày hội khinh khí cầu tại Ðà Nẵng, Ngày hội khinh khí cầu hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022 thu hút sự tham gia của đông đảo du khách đã cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của hình thức du lịch này. Tất cả đã góp phần làm nóng thị trường du lịch Việt Nam trong giai đoạn mở cửa trở lại; đồng thời cho thấy sự chủ động và năng động của các địa phương, doanh nghiệp khi khởi động lại du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Lễ hội Khinh khí cầu trong chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022 thu hút du khách tham dự. (Ảnh MINH ANH)

Trao đổi tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Phục hồi du lịch Việt Nam-định hướng mới, hành động mới" vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ðà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Travelmart chia sẻ: Ðối với nhóm du khách trẻ, năng động, các hãng lữ hành, lưu trú nên tập trung xây dựng những nhóm sản phẩm có tính chất trải nghiệm, check-in theo hướng liên tục làm mới và cập nhật các xu hướng. Với nhóm khách lớn tuổi và khách quốc tế, cần tập trung vào các sản phẩm nghỉ dưỡng an toàn, đáp ứng tiêu chí xanh, thân thiện môi trường, tăng cường trải nghiệm văn hóa địa phương.

Bên cạnh đó, mỗi thị trường khách sẽ có những đặc điểm khác nhau khi lựa chọn điểm đến và dịch vụ, chẳng hạn du khách ở các vùng đô thị thường có nhu cầu về các sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch sinh thái thiên nhiên… Các chính sách hỗ trợ hoãn, hủy cần được linh động tối đa trong trường hợp dịch bệnh để khách hàng yên tâm. Ngoài ra, các đơn vị cũng cần chú ý xu hướng toàn cầu về du lịch bền vững và du lịch có trách nhiệm. Các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế sử dụng tại nhà hàng, khách sạn; các hoạt động xanh, hoạt động thiện nguyện, hoạt động phát triển văn hóa cộng đồng kết hợp chương trình du lịch sẽ tạo dấu ấn và sức hút đặc biệt đối với thị trường khách quốc tế và thế hệ trẻ trong nước. Ðặc biệt, việc áp dụng công nghệ vào sản phẩm dịch vụ sẽ không chỉ thu hút khách hàng bằng yếu tố "thời thượng" mà còn mang lại nhiều tiện ích cho việc tự động hóa ở khâu vận hành và hạn chế tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, trong bối cảnh mới, cần chú trọng khai thác chiều sâu các giá trị tri thức và sáng tạo khi xây dựng sản phẩm du lịch. Ông gợi ý những nhà làm du lịch cần tìm kiếm những cách tiếp cận mới dựa vào tài nguyên đã có như: phát triển các dịch vụ về đêm gắn với tri thức tại các bảo tàng, thư viện, điểm di tích văn hóa, lịch sử; tăng cường các trải nghiệm ẩm thực bằng tất cả giác quan, không chỉ nếm thử mà còn chiêm ngưỡng tinh hoa nghệ thuật ẩm thực, tìm tòi những giá trị văn hóa, học hỏi cách làm; gắn kết với cộng đồng điểm đến thông qua trải nghiệm chân thực cùng người dân địa phương trong lao động và nếp sống hằng ngày, lễ, Tết... Các chuyên gia du lịch khẳng định, sự khác biệt, độc đáo của sản phẩm cũng chính là yếu tố góp phần làm nên hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá, đưa hình ảnh du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế…

HỒNG TRANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich/xay-dung-va-lam-moi-san-pham-du-lich-693485/