Xây dựng tủ sách pháp luật điện tử: Xu thế tất yếu

Báo Hànôịmới số ra ngày 15-8 có bài: 'Giải pháp nào cho tủ sách pháp luật?', phản ánh việc xây dựng tủ sách pháp luật truyền thống ở các xã, phường, thị trấn và cơ quan, đơn vị đang bộc lộ sự lãng phí, không hiệu quả. Trước chủ trương đề xuất xây dựng tủ sách pháp luật điện tử của Bộ Tư pháp, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho rằng, đây là sự thay thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Thay thế tủ sách pháp luật truyền thống bằng tủ sách pháp luật điện tử sẽ mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Linh Ngọc

Theo Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Tâm Luyến, từ đầu năm đến nay, Cổng thông tin điện tử của quận đã đăng tải nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành để cán bộ và nhân dân biết, tìm hiểu và khai thác như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… với số lượng truy cập khá cao.

Cũng trong thời gian này, chuyên mục Hỏi - Đáp trên Cổng thông tin điện tử của quận đã nhận được 60 câu hỏi trực tiếp của tổ chức, cá nhân trao đổi và đề nghị hướng dẫn về một số lĩnh vực, vấn đề như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mở đường Hoàng Quốc Việt kéo dài và đường nối Hoàng Quốc Việt - Đông Ngạc… 100% câu hỏi đều được UBND quận giao cho các phòng, ban, ngành chức năng trả lời và đăng tải công khai.

Với sự hưởng ứng nhiệt tình này của người dân, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Tâm Luyến cho rằng, cần sớm xây dựng mô hình tủ sách pháp luật điện tử theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Cùng quan điểm, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Ba Đình Lê Thị Thu Hà chia sẻ, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, việc Bộ Tư pháp đề xuất xây dựng mô hình tủ sách pháp luật điện tử là sự thay thế cần thiết.

Khẳng định yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, xây dựng tủ sách điện tử, song theo đại diện quận Thanh Xuân, trước mắt vẫn nên tiếp tục duy trì song song cả tủ sách pháp luật truyền thống và tủ sách pháp luật điện tử.

Bởi kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cán bộ thực thi công vụ sử dụng các văn bản được in thành sách hoặc đóng dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền sẽ thuận tiện hơn trong tra cứu thông tin; đồng thời có tính thuyết phục cao, giúp người dân có cơ sở đối chứng, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, nhất là trong các trường hợp khiếu kiện liên quan đến vi phạm đất đai, trật tự xây dựng.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội, không chỉ các quận Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Thanh Xuân mà rất nhiều địa phương, đơn vị khác, kể cả các huyện ngoại thành Hà Nội cũng ủng hộ mô hình tủ sách pháp luật điện tử. Sau khi chủ trương chính thức được ban hành, Sở sẽ tập trung xây dựng và khai thác loại hình này.

Ngoài xây dựng tủ sách pháp luật điện tử, Sở cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng như thành lập tổ dân phố điện tử; tìm hiểu pháp luật trực tuyến, chú trọng vào các văn bản quy phạm pháp luật mới, các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, những vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần được định hướng. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/911446/xay-dung-tu-sach-phap-luat-dien-tu-xu-the-tat-yeu