Xây dựng trường học ở các xã biên giới phải chú trọng chất lượng công trình
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Anh Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến với 7 xã biên giới của tỉnh vào chiều 19-7 tại trụ sở UBND tỉnh (cơ sở 2, phường Pleiku).
Nội dung cuộc họp tập trung về nhu cầu đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất các trường phổ thông nội trú, bán trú tại các xã biên giới đất liền và chính sách đặc thù, nhà ở công vụ cho giáo viên.
Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 34, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì cuộc họp trực tuyến với 7 xã biên giới của tỉnh. Ảnh: A.H
Tỉnh Gia Lai có 7 xã biên giới, gồm: Ia Púch, Ia O, Ia Chia, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn, Ia Mơ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Trên địa bàn 7 xã biên giới có 7 trường mầm non, mẫu giáo song chưa có trường nào có nội trú. Các trường đều có bếp ăn bán trú đảm bảo quy trình một chiều, tuy nhiên đồ dùng và thiết bị phục vụ bếp vẫn còn thiếu thốn. Có 6 trường tiểu học, 4 trường THCS, 3 trường Tiểu học và THCS và 1 trường THPT; tất cả đều không có nội trú, bán trú. Đáng chú ý, các phòng ở của giáo viên khối giáo dục trung học chủ yếu là các phòng cũ, trưng dụng lại, một số đã hỏng, không có giếng nước.
Theo rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã biên giới là 10.323 em. Trong đó, số học sinh có nhu cầu nội trú và bán trú dự kiến là 7.134 em.
Toàn bộ các cấp học phổ thông trên địa bàn còn thiếu 406 hạng mục/phòng học cần được bổ sung. Tổng nhu cầu vốn đầu tư để đáp ứng cơ sở vật chất cho học sinh nội trú, bán trú theo tính toán là hơn 378 tỷ đồng, đề nghị sử dụng nguồn ngân sách Trung ương.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các xã biên giới cũng tham gia ý kiến và nêu kiến nghị. Ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch UBND xã Ia O-cho biết: Toàn xã có 9 thôn, làng; trong đó, khoảng cách từ làng xa nhất đến trung tâm xã lên đến 15 km. Hầu hết học sinh các cấp trên địa bàn đều có nhu cầu học bán trú, bởi phụ huynh chủ yếu bận rộn với công việc nương rẫy hoặc làm công nhân khai thác mủ cao su, không có điều kiện chăm sóc và đưa đón con em đến trường hàng ngày. Việc tổ chức học bán trú không chỉ giúp phụ huynh yên tâm lao động sản xuất mà còn tạo điều kiện để học sinh học tập và sinh hoạt tốt hơn.
Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Trần Quyết Thắng cũng kiến nghị rằng: Xã hiện có 2 làng Khôn và Ring khá xa trung tâm. Khoảng cách từ các làng đến điểm trường chính lên tới 20 km. Có 180 học sinh thuộc các bậc học ở 2 làng hàng ngày phải di chuyển quãng đường xa để đến trường, gây nhiều khó khăn cho gia đình. Do đó, ông Thắng đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng mô hình "nội trú trong bán trú" nhằm giải quyết khó khăn về đi lại, giúp học sinh có điều kiện học tập ổn định hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin về các trường học, nhà ở công vụ tại các xã biên giới trên địa bàn tỉnh. Ảnh: A.H
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Công tác quy hoạch là nhiệm vụ cấp bách. Các địa phương cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể cũng như từng khu vực cụ thể căn cứ vào tình hình thực tế. Riêng về trường học, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành phối hợp với các xã khẩn trương tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng trường nào còn sử dụng được, trong đó tập trung đánh giá về cơ sở vật chất, khả năng mở rộng để đạt chuẩn theo quy định, có khu nhà công vụ cho giáo viên, khu vui chơi cho học sinh… Trong trường hợp đầu tư xây dựng mới phải tính đến yếu tố địa lý, sự an toàn và gia tăng dân số trong khoảng 5-10 năm tới.
Về xây dựng, quy hoạch trường học, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, có thể mở rộng trên vị trí cũ hoặc quy hoạch lại để đề xuất xây dựng phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương khẩn trương triển khai, hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch cục bộ, trong đó có nội dung liên quan đến trường học để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 15-8.
Riêng đề xuất về mô hình “nội trú trong bán trú” của xã Ia Mơ cần nghiên cứu, tính toán và xem xét kỹ tính khả thi. Bên cạnh đó, việc xây dựng trường học ở các xã biên giới phải chú trọng chất lượng công trình, bảo đảm đạt chuẩn như trường học ở đô thị với cảnh quan khang trang, sạch đẹp. Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong năm học 2026-2027, toàn bộ học sinh tại 7 xã biên giới sẽ được học trong những ngôi trường kiên cố, đầy đủ tiện nghi và khang trang.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến. Ảnh: A.H
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền cấp xã và yêu cầu mỗi xã phải xác định như 1 tỉnh thu nhỏ, chủ động nắm rõ công việc để chỉ đạo, điều hành và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.