Xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Ngày 16-12-2019, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 16-12-2019, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết luận nêu rõ, tại phiên họp Bộ Chính trị ngày 15-11-2019, sau khi nghe Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận: Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk và TP Buôn Ma Thuột đã nghiêm túc, tích cực thực hiện Kết luận số 60, có nhiều cố gắng để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế của thành phố chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Buôn Ma Thuột chưa thật sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng, trung tâm giao lưu cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia… Cấp ủy, chính quyền thành phố và tỉnh Đắk Lắk chậm tổng kết thực tiễn và đề xuất với Trung ương những cơ chế, chính sách mới, đột phá, phù hợp nhằm giúp thành phố tạo sự bứt phá.

Phương hướng phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng và phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng, tam giác Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên…

Để đạt mục tiêu đó, giải pháp chủ yếu là: Xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển thành phố phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ; giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông thành phố với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Tăng cường phân cấp quản lý cho thành phố xứng tầm với đô thị trung tâm của vùng. Phát triển văn hóa, xã hội của thành phố theo hướng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị bản sắc, truyền thống và lịch sử, nhất là văn hóa, không gian cồng chiêng Tây Nguyên. Tăng cường công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc…

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/42656602-xay-dung-tp-buon-ma-thuot-thanh-do-thi-trung-tam-vung-tay-nguyen.html