Xây dựng, tổ chức các phong trào hành động thể hiện khát vọng của thanh niên

LTS - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2021), đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có cuộc trao đổi ý kiến với phóng viên báo Nhân Dân về hoạt động của các cấp bộ Ðoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và khơi dậy sức mạnh của thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

LTS - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2021), đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã có cuộc trao đổi ý kiến với phóng viên báo Nhân Dân về hoạt động của các cấp bộ Ðoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và khơi dậy sức mạnh của thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên: Trong Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng (Ðại hội XIII của Ðảng) có nhiều nội dung đặt thanh niên ở vị trí trung tâm, gắn với mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí có thể cho biết Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, tuổi trẻ cả nước và nhất là các đảng viên trẻ cần ý thức thế nào về vai trò, trách nhiệm mà Ðảng đã tin tưởng giao phó?

Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Ðại hội XIII của Ðảng đã đặt ra nhiều quyết sách quan trọng, khởi tạo một giai đoạn phát triển mới với khát vọng hùng cường, thịnh vượng. Trong Nghị quyết của Ðại hội XIII đặt thanh niên ở vị trí trung tâm của tất cả các vấn đề. Tuổi trẻ đang phấn chấn trước một tầm nhìn, một khát vọng Việt Nam; đồng thời, cũng thấy cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để tự hoàn thiện mình, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong ba khâu đột phá được Ðại hội XIII của Ðảng xác định, thanh niên đều đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðể hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, thanh niên phải gánh vác sứ mệnh của mình, với tư cách là những người trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê, những người xung kích sáng tạo. Những bạn thanh niên hiện nay đến năm 2045 sẽ ở độ tuổi trên dưới 40, bước vào độ tuổi đủ độ chín về kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm để gánh vác trọng trách lớn ở từng cơ quan, đơn vị, lĩnh vực của xã hội. Những em thiếu nhi hiện nay, thậm chí, những cháu bé sinh ra ở thời điểm này vừa là chủ thể mới, cũng vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển đất nước.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa đó cho nên ngay sau Ðại hội XIII của Ðảng, Ban Chấp hành Trung ương Ðoàn đã bàn về chương trình hành động của tuổi trẻ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng. Hiện nay, chương trình hành động đang được khẩn trương hoàn thiện và sẽ ban hành rất sớm trong những ngày tới đây, gồm tám chương trình lớn, bám sát những quan điểm của Ðảng trong Nghị quyết Ðại hội XIII để có sự đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó, chú trọng giáo dục lớp thanh niên năm 2045 phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, nhân cách, tự tin và sẵn sàng hội nhập quốc tế.

Phóng viên: Với phần tham luận tại Ðại hội XIII của Ðảng, đồng chí đã nhấn mạnh những thành quả tích cực từ ba phong trào hành động cách mạng lớn của tuổi trẻ cả nước. Thời gian tới đây, các cấp bộ Ðoàn có những cách làm nào để tiếp tục triển khai hiệu quả ba phong trào này, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường?

Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh xác định phải tiếp tục sáng tạo, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mạng xã hội, nền tảng truyền thông đa phương tiện trong nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên trì triển khai các phong trào hành động cách mạng và các chương trình, hoạt động để vừa khơi dậy sức thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó tập trung vào những phong trào phát huy phẩm chất tốt đẹp của thanh niên, phù hợp điều kiện mới; đồng thời đồng hành, hỗ trợ thanh niên để phát triển toàn diện.

Với tình hình thanh niên đa dạng, phân tầng như vậy sẽ khó tìm được một phong trào chung cho tất cả đối tượng thanh niên. Từ khung của ba phong trào: "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo", "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc", chúng tôi thiết kế những phong trào nhánh phù hợp nhu cầu, năng lực, mong muốn của từng nhóm đối tượng thanh niên trên cơ sở mẫu số chung. Ban Bí thư Trung ương Ðoàn mong muốn sẽ khơi được sức mạnh tiềm tàng, khát vọng, ý chí của từng bạn trẻ để tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 mà Ðại hội XIII của Ðảng đã vạch ra.

Bên cạnh đó, để xây dựng một phong trào có sức hút, cần có hạt nhân nòng cốt dẫn dắt, định hướng. Hạt nhân đó có thể là cán bộ Ðoàn, Hội, cũng có thể là thanh niên tiêu biểu, người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng ở các lĩnh vực. Và đặc biệt, cần ứng dụng một cách mạnh mẽ, triệt để lợi thế của công nghệ số và chuyển đổi số trong tập hợp thanh niên, tổ chức phong trào cho thanh niên.

Phóng viên: Năm vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên năm 2020. Có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm triển khai hiệu quả các nghị quyết của Ðảng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thanh niên. T.Ư Ðoàn đã có kế hoạch cụ thể gì để đưa Luật Thanh niên năm 2020 sớm đi vào cuộc sống?

Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Ðể triển khai thực hiện Luật Thanh niên, Ban Bí thư Trung ương Ðoàn đã ban hành Kế hoạch số 306-KH/TWÐTN-VP ngày 23-9-2020 về việc tổ chức triển khai Luật Thanh niên tới các cấp bộ Ðoàn. Trong đó, đã xác định những phần việc rất cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị để thực hiện Luật. Chúng tôi xác định sẽ tập trung vào một số công việc lớn, đó là chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách đối với thanh niên. Triển khai có hiệu quả Tháng Thanh niên hằng năm nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc và vận động xã hội quan tâm chăm lo cho thanh niên. Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thanh niên; tổng hợp nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật với thanh niên ở địa phương, đơn vị, cấp mình để yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối thoại với thanh niên. Tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh hằng năm, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên. Phối hợp tổ chức các hoạt động phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản pháp luật, chính sách đối với thanh niên và liên quan thanh niên hằng năm. Bên cạnh đó, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số đề án cho các đối tượng thanh niên đặc thù, như thanh niên có tài năng, thanh niên khởi nghiệp, đối thoại với thanh niên, thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, rà soát, kiện toàn Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Phóng viên: Những năm tới đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được dự báo tiếp tục là các xu hướng phát triển chung trên toàn cầu. Vậy Ðoàn, Hội các cấp sẽ triển khai những cách làm nào để đồng hành cùng các đối tượng thanh niên tận dụng tốt xu hướng này, thưa đồng chí?

Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số là những xu hướng chính hiện nay trên toàn cầu. Việt Nam chúng ta muốn tiến nhanh, tiến mạnh, bắt kịp với các nước tiên tiến trên thế giới thì cần tận dụng thật tốt những xu hướng này, trong đó thanh niên là một lực lượng vô cùng quan trọng.

Muốn vậy, hoạt động của Ðoàn phải làm sao để có những điểm riêng, những cái đa dạng của các đối tượng thanh niên đều được nằm trên một công thức có mẫu số chung là khát vọng phát triển đất nước hùng cường. Muốn vậy, trong thiết kế và tổ chức phong trào, phải tính đến sự bao quát để tất cả thanh niên đều thấy mình có thể góp sức trong đó; đồng thời, với mỗi lực lượng thanh niên khác nhau, cũng cần có những phong trào nhánh phù hợp để tạo môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất cho các bạn rèn luyện, trưởng thành.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận một thực tế là, một bộ phận thanh niên chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, khả năng để thực hiện việc chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, tổ chức Ðoàn phải giáo dục về kiến thức và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho thanh niên và cho chính cán bộ Ðoàn, cho chính tổ chức Ðoàn các cấp. Mặt khác, môi trường mạng đem lại nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có nhiều thách thức, những nguy cơ tiềm ẩn, trong đó cách mạng màu, cách mạng số cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, vai trò dẫn dắt, tập hợp, định hướng của Ðoàn đối với các thành viên của mình là rất quan trọng.

Mặt khác, để thanh niên đến với Ðoàn, Hội thì bản thân tổ chức Ðoàn cần phải bám sát yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đời sống đối với thanh niên và nhu cầu của chính bản thân thanh niên để tổ chức hoạt động phù hợp. Hoạt động của Ðoàn phải đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ, có vậy, thanh niên mới tự nguyện, tự giác đi theo Ðoàn, tham gia hoạt động của Ðoàn. Ðơn cử như trong lĩnh vực khởi nghiệp, muốn khuyến khích thanh niên khởi nghiệp, thì Ðoàn cần tạo môi trường thật tốt để các bạn có động lực, có sự giúp đỡ để thành công. Muốn vậy, cần xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế trong khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Du lịch, thương mại, công nghệ thông tin...; cung cấp thông tin, góp phần kiến tạo môi trường thuận lợi để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

AN LINH (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/xay-dung-to-chuc-cac-phong-trao-hanh-dong-the-hien-khat-vong-cua-thanh-nien-639784/