Xây dựng tiêu chí thành phố học tập phải phù hợp với Việt Nam

Ngày 19/1, tại Hà Nội, Tiểu ban giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời - Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực đã họp về nội dung Xây dựng thành phố học tập giai đoạn 2021 – 2030.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp.

Tham dự có đại diện cơ quan trung ương, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT và trường đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng chủ trì.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng và quan điểm của Đảng và nhà nước trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng cộng đồng hiếu học. Để xây dựng xã hội học tập chúng ta phải xây dựng một cộng đồng học tập, trong đó có công dân học tập và hướng tới thành phố học tập. Bộ GD&ĐT đã cùng Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng nhiều tiêu chí công nhận đơn vị học tập.

Để đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng xã hội học tập (XHHT) ở các cấp, Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm và ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện. Thứ trưởng mong rằng Tiểu ban sẽ nghiên cứu giúp Bộ đưa ra sản phẩm với tiêu chí cuối cùng, xác định thành phố học tập phù hợp với điều kiện Việt Nam, làm cơ sở căn cứ để bộ tham khảo ban hành thông tư để quy định.

GS.TS Phạm Tất Dong nêu sự cần thiết phải ban hành tiêu chí xây dựng Thành phố học tập.

Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Phạm Tất Dong, Trưởng tiểu ban GDTX& HTSĐ cho biết ngày 10/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong Kết luận có sự khẳng định: Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” ở cấp quận, huyện, ở cơ quan, đơn vị, mô hình “Tỉnh học tập”, “Thành phố học tập”, “Công dân học tập” theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt và “Chủ động tích cực tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” do UNESCO điều hành.

Ngày 08/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 489/QĐ-TTg về kế hoạch thực hiện Kết luận 49-KL/TW. Chủ đề xây dựng Thành phố học tập mà chúng ta bàn bạc hôm nay là một công việc mở đầu cho quá trình tìm kiếm các tiêu chí đánh giá công nhận Thành phố học tập cũng như mở ra hướng tích cực tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu mà UNESCO là người chủ trì.

Trên thực tế, Việt Nam đã tiếp cận với trào lưu xây dựng Thành phố học tập trên thế giới từ năm 2013, 2014 khi Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và tổ chức UNESCO Hà Nội tiến hành 4 cuộc Hội thảo khoa học với tiêu đề: “Xây dựng xã hội học tập – từ tầm nhìn đến hành động” ở Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ) và TPHCM. Sau đó, TP Hải Dương đã đăng ký với UNESCO tham gia mạng lưới thành phố học tập trên thế giới theo Bộ tiêu chí đánh giá công nhận do UNESCO đưa ra.

Tham luận của đại diện các Bộ ngành đều thống nhất cao về việc ban hành tiêu chí.

Việc xây dựng và phát triển thành phố học tập ở nước ta trong giai đoạn 2021 – 2025 phải được quán triệt tinh thần, quan điểm, tư tưởng về tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành. Vì vậy, nếu đăng ký vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành thì những yêu cầu về xây dựng con người trong thành phố phải bảo đảm những chỉ số phát triển của công dân học tập ở Việt Nam.

GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Cụ thể hơn nữa, trước khi có được những năng lực cốt lõi của công dân học tập đã phải có được những kỹ năng số trong môi trường số. Đó là công dân số trong thành phố số. Thành phố số sẽ thể hiện ở những hình thức cụ thể của thành phố học tập ở giai đoạn 2021 – 2025 như Thành phố xanh, Thành phố thông minh, Thành phố hạnh phúc... mà một số địa phương đang hướng tới.

Kết thúc những nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2020, qua thực hiện 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 112/2005/QĐ-TTg, 18/5/2005 và Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/1/2013), nhân dân ta đã hoàn thành công việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Điều này có nghĩa là, trong nước đã hình thành mô hình cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT. Trong nước đã có hàng ngàn những xã học, phường học tập và thị trấn học tập.

"Dù là một vùng công nghiệp, hải cảng, khu chế xuất hay khu dân cư mới hình thành qua quá trình đô thị hóa..., đã là “Thành phố học tập” thì phải bảo đảm những yêu cầu sau đây: Trong khu vực này có một hệ thống giáo dục, bảo đảm để mọi người dân không gặp phải những rào cản tiếp cận giáo dục với mọi mục đích khác nhau. Trong khu vực này, cộng đồng dân cư bao gồm những công dân tự giác học tập suốt đời, biết tự học để phát triển, có trách nhiệm giúp mọi thành viên khác trong cộng đồng cũng thường xuyên học tập với mình; Trong khu vực đó, những nhà lãnh đạo có đủ ý chí kiên định và cam kết chính trị về xây dựng thành phố do mình quản lý sẽ trở thành thành phố học tập".
GS.TS Phạm Tất Dong

Bước sang giai đoạn 2021 – 2030, theo Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhân dân ta sẽ tiến hành một công việc mới trong sự nghiệp xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, cụ thể là, toàn dân bắt tay vào xây dựng Thành phố học tập. Khái niệm “Thành phố học tập” được hiểu một cách mềm dẻo, linh hoạt. Đó có thể là một khu công nghiệp học tập, một khu chế xuất học tập, một đô thị học tập đến một thành phố hiện đại học tập.

Tham luận tại phiên họp của các đại biểu đều thống nhất, việc xác định tiêu chí phải phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, làm chuẩn mực để các địa phương trên cả nước lấy đó làm hình mẫu triển khai thực hiện. Thành phố học tập phải dựa vào nhiều nội dung phù hợp từ thành phố xanh đến tạo điều kiện cho việc học tập liên tục và suốt đời.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xay-dung-tieu-chi-thanh-pho-hoc-tap-phai-phu-hop-voi-viet-nam-BQlYroBMR.html