Xây dựng thương hiệu Việt Nam, kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các tỉnh thành đẩy mạnh chương trình 'Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)'. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh sản xuất theo tiêu chí an toàn còn chú trọng tới công tác quảng bá thương mại, liên kết tiêu thụ theo chuỗi.

Cùng với chương trình trên các lễ hội, hội chợ triển lãm đặc sản vùng miền đã được tổ chức mở rộng tại các tỉnh như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Sơn La... nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng của vùng miền. Điển hình như: Lễ hội Vải thiểu Thanh Hà - Hải Dương 2018, Hội chợ mùa thu Lam Kinh 2018 tại Thanh Hóa, Phiên chợ hoa quả tại miền núi Tây Bắc; Sơn La, Điện Biên... Được tổ chức hàng năm với mục đích kêu gọi các siêu thị, chợ đầu mối, thương nhân trong và ngoài nước tìm hiểu về tiềm năng nông sản của tỉnh. Qua các chương trình ý nghĩa này, người dân được tiếp cận giao lưu học hỏi cách làm kinh tế đồng thời kết nối xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó còn đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu đặc sản vùng miền của Việt Nam với nhiều mặt hàng nông sản uy tín, chất lượng.

Đặc biệt, tại các tỉnh thành hiện nay ngày càng phát triển và mở rộng đặc sản bắt đầu với những con số đáng ngưỡng mộ như: Vải thiều Thanh Hà với tổng diện tích lên đến 4000 ha, sản lượng hàng năm đạt 28.000 tấn và hiện đã có 350 ha được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Nhãn lồng Hưng Yên có diện tích khoảng 3.823 ha, sản lượng ước đặt 41.000 tấn. Na Chi Lăng với hơn 2.800, sản lượng hơn 27.000 tấn…và một số đặc sản vùng miền khác như: Mận, Xoài Sơn La cũng chiếm diện tích khá lớn, cùng với việc tiêu thụ khá thuận lợi, ít sảy ra tình trạng được mùa mất giá đã đem lại giá trị kinh tế tốt.

Mới đầu các mặt hàng này được tiêu thụ theo hình thức tự phát nhưng dần đã chuyển sang tiêu thụ một cách bài bản, các sản phẩm bán ra đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Khẳng định được chất lượng của người trồng cũng như tạo được thương hiệu riêng biệt cho nông sản vùng miền nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bên cạnh việc tiêu thụ tại các siêu thị thì việc tiêu thụ tại các cửa hàng tiện ích đang là một hướng đi hiệu quả cho doanh nghiệp và người sản xuất, vừa thuận lợi cho công tác quản lý. Mô hình bán lẻ truyền thống dần đang được thay thế bằng mô hình tiêu thụ theo chuỗi nhưng vẫn đảm bảo sản phẩm luôn luôn tươi mới và kèm theo đó là một số tiêu chuẩn khác theo đúng quy của Bộ y tế về an toàn thực phẩm.

Bà Trần Phương Lan – Phó Giám đốc Sở công thương Hà Nội cho biết: “Những cái mô hình như vậy rất tốt vì nó gắn liền với khu dân cư và rất thuận tiện cho việc mua sắm của người dân, góp phần đẩy mạnh văn minh thương mại cho người tiêu dùng Thủ đô và cũng phần nào giảm được những chợ cóc, chợ tạo tụ phát ở quanh các khu đô thị và khu dân cư”.

Đặc sản nông sản của các vùng miền ngày càng được nâng cao về chất lượng, khẳng định được vị trí của mình không chỉ với thị trường trong nước mà cả quốc tế. Các nông sản này đã góp phần vào niềm tự hào chung của hàng Việt hiện nay.

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/xay-dung-thuong-hieu-viet-nam-ket-noi-tieu-thu-dac-san-vung-mien-1328103.tpo