Xây dựng thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật

Ngày 13-9, tại TP Đà Nẵng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo xây dựng đề án 'Thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật'.

Ngày 13-9, tại TP Đà Nẵng, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo xây dựng đề án "Thương hiệu quốc gia lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật". Hội thảo nằm trong chương trình chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng của các cơ quan quản lý, tổ chức nghề nghiệp, các tỉnh, TP, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ sĩ… về hai Đề án "Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam" và "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam". Đây là hai lĩnh vực có ưu thế về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, xã hội và có truyền thống lâu đời.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất với đề án đã đề ra.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất với đề án đã đề ra.

Hiện nay, nhiếp ảnh là ngành nghệ thuật phát triển nhanh, mạnh và có tính lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa nghệ thuật. Bản thân nhiếp ảnh có chức năng vô cùng đặc biệt, tác động trực tiếp, mạnh mẽ về mặt thị giác đối với hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh là ngành có nhiều điều kiện để trở thành một lĩnh vực công nghệ văn hóa. Chính vì vậy, "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, hoạt động liên quan đến ngành nhiếp ảnh, như: Triển lãm, thi ảnh, trại sáng tác, khóa học, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, hội chợ nhiếp ảnh, dịch vụ, mua bán tác phẩm ảnh, thiết bị phục vụ nhiếp ảnh...

Sự kiện "Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam" bước đầu khảo sát và trao đổi đã nhận được sự hưởng ứng của tỉnh Ninh Bình, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP Đà Nẵng. Theo đó, sẽ lựa chọn một số tỉnh, thành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn trở thành "Thành phố nhiếp ảnh Việt Nam" để đăng cai tổ chức các hoạt động nhiếp ảnh hoặc luân phiên ở các tỉnh, thành hằng năm (hoặc 3 năm một lần) trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2030. Sau khi khảo sát, một số các tỉnh, thành như: Ninh Bình, Hội An, Đà Lạt, Đà Nẵng... đã đáp ứng được tiêu chuẩn; một số địa phương tiềm năng khác như Hà Nội, TPHCM, Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Quảng Bình, TT- Huế. Các tỉnh, thành trên có những phong cảnh, thiên nhiên tươi đẹp, có các di sản lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận, có khả năng và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa tầm quốc tế...

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: "Thành phố Nhiếp ảnh Việt Nam" với những lợi thế của Việt Nam về di sản văn hóa thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và đất nước con người. Sự kiện sẽ được tổ chức mỗi lần tại một tỉnh, thành với các nội dung như: Hội chợ Nhiếp ảnh để giới thiệu và bán các tác phẩm nhiếp ảnh; các sản phẩm, trang thiết bị phục vụ ngành nhiếp ảnh; tổ chức cho các nhiếp ảnh gia quốc tế được mời đến Việt Nam đi sáng tác tại các địa điểm văn hóa, du lịch của địa phương, sau đó tổ chức triển lãm trưng bày mua bán tác phẩm; tổ chức các Hội thảo, tọa đàm, giao lưu với các nhiếp ảnh gia Việt Nam...

Triển lãm ảnh dọc sông Hàn.

Bên cạnh đó, Đề án "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" nhằm mục tiêu chấn hưng vùng trồng cây sơn ta ở Phú Thọ, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội họa sơn mài. Từ đó, đưa ra những tiêu chí, quy chuẩn về nguyên liệu, chất liệu để làm sơn mài, quy trình chế tác sơn mài đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, lô-gô và nhãn hiệu công nhận sơn mài Việt Nam... Ngoài ra, đề án cũng xây dựng kế hoạch, nội dung để Việt Nam trở thành trung tâm của nghệ thuật sơn mài; đăng cai tổ chức liên hoan nghệ thuật sơn mài quốc tế hai năm một lần tại Việt Nam. Từng bước thúc đẩy sự phát triển của sơn mài Việt Nam, kích thích thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài và tác phẩm hội họa sơn mài Việt Nam ở trong nước và quốc tế.

Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho rằng: Đây là đề án tiên phong trong lĩnh vực văn hóa. Việc xây dựng, triển khai thành công sẽ mở màn cho việc thúc đẩy phát triển trên các chiến lược khác. Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh nói chung, trong những năm qua Đà Nẵng có nhiều hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi. Hiện TP có các hội, chi hội được hoạt động thường xuyên, thúc đẩy mạnh mẽ; phong trào nhiếp ảnh của thành phố rất phát triển; các CLB, cuộc thi diễn ra thường xuyên tạo nên đời sống văn hóa tương đối sôi động.

Ông Vỹ cũng thông tin thêm, thời gian qua, TP Đà Nẵng chủ trương xây dựng thành phố sự kiện, bên cạnh các phương tiện truyền thông, các lĩnh vực nghệ thuật khác, chúng tôi nghĩ rằng, chính mỹ thuật, nhiếp ảnh đã đem lại một sinh khí, tạo nên hình ảnh sống động hơn, lan tỏa sự kiện văn hóa nói chung, các sự kiện văn hóa, chính trị khác có sự lan tỏa qua nhiếp ảnh. Đây là truyền thông quan trọng đưa sự kiện văn hóa, xã hội đến với công chúng trong và ngoài nước. Điều đáng nói là Đà Nẵng có điều kiện thiên nhiên đặc biệt, núi sông biển, diện mạo khang trang..., đó chính là môi trường quan trọng cho nghệ thuật, mỹ thuật phát triển. Trong xu hướng thành phố sự kiện, gắn với đó là những hoạt động mỹ thuật đi kèm. Những tiêu chí của đề án thì Đà Nẵng khá phù hợp, là một ứng viên của đề án hướng tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất với đề án và ủng hộ việc triển khai thực hiện ở các địa phương. Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề xuất về việc cần quan tâm đến tổ chức các chương trình hướng dẫn, nâng cao tay nghề cho lực lượng người đam mê nghệ thuật; có hình thức tôn vinh đối với những tác phẩm nổi trội; lộ trình triển khai thực hiện phù hợp và có sự phối hợp giữa người làm chuyên môn và lãnh đạo địa phương...

LÊ ANH TUẤN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_212601_xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia-linh-vuc-nhiep-anh-.aspx