Xây dựng thương hiệu quế hữu cơ Bắc Hà

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang triển khai kế hoạch đưa quế thành cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Cây quế đã thực sự trở thành loại cây hàng hóa giúp bà con Nậm Đét phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Cây quế đã thực sự trở thành loại cây hàng hóa giúp bà con Nậm Đét phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Người Dao ở Bắc Hà, Lào Cai ví cây quế như “cây vàng”, cấp ủy chính quyền địa phương nơi đây coi cây quế là cây trồng chủ lực xóa đói, giảm nghèo, động lực xây dựng nông thôn mới bền vững. Các sản phẩm từ quế đang có sức cạnh tranh, giá bán ổn định, từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Để nông dân Lào Cai thêm gắn bó với cây quế quê hương, chính quyền nơi đây đã và đang xây dựng, nhân rộng được cách làm hay, phát huy nội lực của địa phương.
*Cây xóa nghèo
Trước đây, gia đình ông Triệu A Sơn, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà quanh năm chỉ biết làm nương, trồng lúa, lo chạy ăn từng bữa.

Năm 1998, từ chương trình hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông Sơn đã đăng ký hơn 4.000 cây quế về trồng trên diện tích gần 1 ha.
Sau hàng chục năm chăm sóc, đến năm 2005, đồi quế của gia đình ông Sơn đã cho thu hoạch. Mỗi năm, bình quân tỉa thưa vườn quế để bán, gia đình thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.

Năm 2014, gia đình ông bán 1 ha được hơn 600 triệu, có điều kiện để xây ngôi nhà 2 tầng khang trang và mua đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. mua thêm nhiều vật dụng trong gia đình.
Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây quế, gia đình ông Sơn mạnh dạn ươm thêm cây giống, đầu tư mở rộng diện tích trồng quế của gia đình, nâng tổng diện tích quế lên hơn 14 ha; trong đó, hơn 5 ha đang cho thu hoạch.
"Với giá quế hiện tại, trên địa bàn xã không có cây trồng nào hiệu quả bằng cây quế bởi không như cây trồng khác, người nông dân có thể tận dụng được thân, lá, vỏ... từ quế để làm ra nhiều sản phẩm khác nhau", ông Sơn khẳng định.
Từ bài học sản xuất nông nghiệp của gia đình, ông Sơn mạnh dạn vận động nông dân tại địa phương chuyển đổi diện tích đất hoang, đất đồi bạc màu sang trồng quế. Cách làm của ông đã được nông dân trong thôn hưởng ứng và làm theo.

Đến nay, thôn Bản Lắp là một trong những địa phương có diện tích quế nhiều nhất xã Nậm Đét.
Toàn thôn có hơn 500 ha quế; trong đó, 400 ha đang cho thu hoạch, với thu nhập 700 -800 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo nhờ thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện toàn thôn chỉ còn 8/78 hộ nghèo, 50/78 hộ xây nhà kiên cố.
Từ phát triển kinh tế, phong trào xây dựng nông thôn mới ở thôn Bản Lắp được dân tại địa phương ủng hộ. Năm 2014, nhân dân trong thôn hiến hàng nghìn m2 đất. Mỗi hộ góp từ 4 - 10 triệu đồng để mở mới, đổ bê tông tuyến đường dài hơn 12km vào thôn.
Bản thân gia đình ông Sơn tự chặt hơn 1.200 cây quế được gần 10 năm tuổi, hiến hơn 100m2 đất để mở mới đường vào thôn. Năm 2016, ông Sơn đã vận động nhân dân hiến đất, góp tiền tự thuê thợ xây mới nhà văn hóa thôn gần 200 triệu đồng...
Từ một xã vùng sâu vùng xa, thuộc diện khó khăn, Nậm Đét hôm nay vươn mình “trỗi dậy” sau lộ trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, đạt 19/19 tiêu chí và là xã thứ 4 của huyện Bắc Hà đạt chuẩn nông thôn mới.
Bà Triệu Thị Ghến, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét phấn khởi: “Thành quả đó có đóng góp rất lớn từ cây quế, nhất là trong việc thực hiện 2 tiêu chí khó về hộ nghèo và thu nhập"
Phong trào trồng quế đã lan ra các xã hạ huyện Bắc Hà như: Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái, Cốc Ly...

Toàn huyện Bắc Hà có 8.200 ha quế, trồng mới năm 2019 được 400 ha; trong đó, diện tích đến thời kỳ thu hoạch hơn 3.850 ha.
Từ đầu năm 2019 đến nay, giá trị thu được từ quế gồm: vỏ, lá, hạt, gỗ quế....ước đạt 294 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với năm 2018. Nguồn thu trên 200 tỷ đồng từ sản phẩm quế góp phần giúp Bắc Hà có 1.335 hộ thoát nghèo.
Năm nay, nguồn thu các sản phẩm từ quế tăng cao, Bắc Hà sẽ có thêm nhiều hộ nông dân thoát nghèo từ cây quế. Kết thúc đợt thu hoạch quế thứ 3, vụ cuối trong năm 2019, tổng thu của riêng xã Nậm Đét đạt trên 45 tỷ đồng.
*Chinh phục thị trường quốc tế

Thu hoạch quế ở Bắc Hà. Ảnh: Hương Thu/BNEWS/TTXVN

Nhiều năm gần đây, diện tích quế Bắc Hà dần được mở rộng. Sản lượng và doanh thu từ quế ngày càng tăng cao, cung không đủ cầu.

Kết quả này có được là bởi địa phương từng bước nâng giá trị cây quế bằng việc xây dựng thương hiệu quế hữu cơ.
Hợp tác xã (HTX) Quế hữu cơ Nậm Đét, xã Nậm Đét tạo việc làm, tăng thu nhập đối với người dân trồng quê nơi đây, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế rừng. Hợp tác xã đang từng bước tạo đà để cây quế vươn xa chinh phục thị trường quốc tế.
Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2016 – 2020 của địa phương, xã Nậm Đét tập hợp những tổ nhóm cùng sở thích trồng quế trên địa bàn xã, thành lập HTX Quế hữu cơ Nậm Đét từ tháng 11/2018 để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người dân.
HTX làm đầu mối thu mua toàn bộ sản phẩm quế hữu cơ trong xã, liên kết với các doanh nghiệp như Công ty TNHH gia vị Sơn Hà để xuất khẩu quế ra các thị trường quốc tế.

Người trồng quế được hướng dẫn cách sơ chế làm quế cắt miếng, phương pháp giúp nâng giá trị sản phẩm quế xã Nậm Đét lên 40% so với giá thành hiện tại và tiết kiệm nhân công thay cho cách làm thu mua và bán trực tiếp vỏ quế thô cho thương lái như trước kia.
HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động tại địa phương ngay sau khi được thành lập. Ngoài phát triển sản phẩm quế, Hợp tác xã triển khai ngành nghề khác như bán buôn nông - lâm sản nguyên liệu, trồng cây gia vị, dược liệu, trồng và chăm sóc rừng...
Ông Triệu Phúc Vầy, Giám đốc HTX Quế hữu cơ Nậm Đét cho biết, từ khi thành lập, Ban Giám đốc HTX xác định sản xuất hiện đại là điều kiện tất yếu để tạo giá trị bền vững.

HTX đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng công nghệ vào chế biến và hiện tạo 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao. Các mặt hàng chủ lực như: quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế…
Các sản phẩm quế của HTX có sức cạnh tranh và giá bán ổn định trên thị trường. Hàng năm, sản lượng vỏ quế tươi của HTX đạt gần 800 tấn, trên 40 tấn tinh dầu và gần 500 m3 gỗ quế.

Sản phẩm quế của HTX được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, với doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Hiện diện tích quế của HTX trên 1.800 ha; trong đó, khoảng 1.200 ha đang cho thu hoạch, trên 500 ha rừng quế được cấp chứng nhân quế hữu cơ. HTX đã xây dựng thành công chứng nhận “Quế hữu cơ quốc tế”.

Đây được xem là “giấy thông hành” để các sản phẩm quế Nậm Đét vươn xa, chinh phục thị trường khó tính trong nước, quốc tế. Hiện HTX đang liên kết sản xuất với gần 100 hộ gia đình gắn kết với HTX, tạo động lực để gia đình lao động, sản xuất.
Tương tự, các xã khu vực hạ huyện Bắc Hà đã phát triển mô hình hợp tác xã quế; trong đó, 3 xã gồm: Nậm Lúc, Cốc Lầu và Bản Cái đã thành lập và hoạt động có hiệu quả 18 tổ nhóm nông dân sản xuất – kinh doanh quế, với gần 700 hộ nông dân tham gia.
Việc chia sẻ lợi nhuận với nông dân, sự hợp tác bền vững, các hợp tác xã đã và đang tạo động lực để đồng bào nơi đây thêm mặn mà với cây quế và gắn bó với đồng đất quê hương mình.

Đây thực sự là mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp điển hình, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương./.

Hương Thu/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/-xay-dung-thuong-hieu-que-huu-co-bac-ha/138726.html