Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP

Ủy ban nhân dân (UBND) quận Tây Hồ (Hà Nội) - Ban Chỉ đạo Chương trình mỗi phường một sản phẩm đã tổ chức hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện chương trình 'Mỗi phường một sản phẩm' - OCOP trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2018-2022. Tại hội nghị, 7 sản phẩm của quận Tây Hồ đã được trao giấy chứng nhận sản phẩm đạt OCOP năm 2021 gồm: Chè Sen Quảng An, Đào Thất Thốn Nhật Tân, Đào thế Nhật Tân, Đào cành Nhật Tân và Bánh trung thu cơ sở Bảo Phương (3 sản phẩm).

Báo cáo tổng kết tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Việt Cường, Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết, hiện nay 3 phường Nhật Tân, Phú Thượng, Quảng An đã được UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận “Làng nghề truyền thống”, thương hiệu của 3 sản phẩm “Hoa đào Nhật Tân”, “Xôi Phú Thượng” và “Chè Sen Quảng An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể hoặc gia hạn cho các sản phẩm. Trong thời gian tới, các sản phẩm đã được bảo hộ định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm “Du lịch OCOP” cấp Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Thượng vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ trao thưởng tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh - Ủy viên Ban Thượng vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ trao thưởng tại hội nghị

Các sản phẩm đạt OCOP như “Xôi Phú Thượng” đã được trưng bày tại Festival; các sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, du lịch, chương trình giới thiệu du lịch ẩm thực do Thành phố tổ chức hàng năm.

Trong giai đoạn 2018-2021, quận Tây Hồ đã hoàn thành mục tiêu đánh giá phân hạng được 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm OCOP cấp Quận (3 sao) và 14 sản phẩm cấp Thành phố (4 sao); có 8 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình, trong đó 5 chủ thể đã hoàn thiện hồ sơ được đánh giá, phân hạng sản phẩm, 3 chủ thể đang lập hồ sơ chờ đánh giá năm 2022; đào tạo, tập huấn 100% (15 người) cán bộ quản lý Chương trình OCOP quận, phường nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình và 100% (15 người) các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp kiến thức chuyên môn về sản xuất, kinh doanh.

UBND quận cũng phối hợp với các Sở, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện do Thành phố tổ chức; tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có sản phẩm lợi thế từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, hình ảnh trên thị trường, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân trên địa bàn quận…

Tại hội nghị các đại biểu đã trình bày tham luận, đề xuất các giải pháp nhằm quảng bá, giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP. Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Nguyễn Việt Hà chia sẻ: “Mục tiêu của chương trình OCOP là nhằm thực hiện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống… Hiện tại, phường Thụy Khuê đã có 2 cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP gồm: Bảo Phương 1 có 3 sản phẩm; Bảo Phương 2 có 4 sản phẩm. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 4 sao”.

Thời gian tới, để chương trình “Mỗi phường một sản phẩm” triển khai đạt hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê đề xuất cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông về mục đích, ý nghĩa của OCOP để từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và động lực cho nền kinh tế địa phương phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế.

Đại diện hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng đề xuất cần phải xây dựng hệ thống các chuỗi nhà hàng, địa điểm liên kết để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, quảng bá phát triển hơn nữa thương hiệu của làng nghề và mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ để tăng cường liên kết sản xuất đến tiêu thụ, phát triển sản phẩm bền vững nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thân thiện với môi trường góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương theo hướng sinh thái.

Đại diện hội làng nghề hoa Đào Nhật Tân mong muốn người dân địa phương được đào tạo, chia sẻ, tập huấn những công nghệ phát triển hiện đại, công nghệ cao trong trồng trọt và tiêu thụ, quảng bá sản phẩm; liên kết các doanh nghiệp chuyên nghiệp để có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm trong cả nước.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sản phẩm OCOP là sản phẩm của cộng đồng, kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó những sản phẩm OCOP của quận Tây Hồ rất tinh xảo. Quận có phố đi bộ Trịnh Công Sơn, đây sẽ là nơi hội tụ, điểm đến và điểm đi của các sản phẩm OCOP trong cả nước. Vì vậy, quận cần xác định lợi thế của từng phường, kết nối du lịch văn hóa, tâm linh gắn với các sản phẩm OCOP, phấn đấu để quận Tây Hồ là thủ phủ của OCOP để các chủ thể OCOP kết nối với Tây Hồ.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội hy vọng rằng chương trình chuyển đổi số do Thành phố thực hiện sẽ tích cực hỗ trợ cho các chủ thể OCOP của Tây Hồ nói riêng và các quận/huyện trên địa bàn Thành phố nói chung để Chương trình OCOP của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 thực sự phát triển.

N.Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-thuong-hieu-nang-cao-chat-luong-cho-san-pham-ocop-146944.html