Xây dựng thương hiệu nấm linh chi Tri Thức

Không chỉ phát triển sản phẩm nấm linh chi khác lạ, độc đáo ngay trên 'vựa lúa' Thoại Sơn, anh Nguyễn Hùng Sinh (ấp Bắc Thạnh, xã Thoại Giang) còn tiên phong ứng dụng điện thoại thông minh (Smartphone) để quản lý vùng nguyên liệu. Do vậy, việc cấp chứng nhận OCOP cấp tỉnh (chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang) cho sản phẩm nấm linh chi Tri Thức là hoàn toàn xứng đáng.

Ý chí vượt khó

Là một người thích đổi mới, sáng tạo nên anh Nguyễn Hùng Sinh (sinh năm 1977, chủ hộ kinh doanh sản xuất chế biến nấm linh chi Tri Thức) chọn khởi nghiệp từ cây nấm linh chi, quyết tâm chuyển đổi cây trồng có giá trị cao hơn trên vùng đất vốn lâu nay trồng lúa. Năm 2009, trong một lần tình cờ, anh Sinh biết được mô hình trồng nấm linh chi đỏ cho thu nhập cao, anh bắt đầu mang về trồng thử. Ban đầu, do áp dụng cách trồng thủ công nên anh đã nhiều lần thất bại. Không nản chí trước khó khăn, anh chịu khó nghiên cứu học hỏi kỹ thuật, thay đổi công nghệ trồng nấm và dần thu được kết quả tốt hơn.

Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nấm linh chi Tri Thức càng có điều kiện xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường

Năm 2016, được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí và tư vấn kỹ thuật, anh Sinh đã thực hiện thành công dự án “Sản xuất thử nghiệm nấm linh chi theo hướng công nghệ cao tại huyện Thoại Sơn”. Sau 12 tháng thực hiện, dự án đạt được nhiều kết quả, mang lại lợi ích thiết thực. Anh Sinh đã xây dựng được 3 nhà trồng nấm diện tích 400m2. Các nhà trồng nấm đều được đầu tư hệ thống tạo ẩm bằng sóng siêu âm, hệ thống theo dõi và điều khiển độ ẩm thông minh. Anh còn được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) chuyển giao quy trình ứng dụng điện thoại EWelink để điều khiển độ ẩm và nhiệt độ thông qua kết nối wifi.

Nhận được những hỗ trợ thiết thực này, anh Sinh mạnh dạn đầu tư thiết bị ứng dụng kỹ thuật mới và thực hiện quy trình khép kín từ khâu trồng nấm đến thu hoạch. Hệ thống trồng nấm linh chi của anh bao gồm: thiết kế kệ trồng bằng sắt, máy tách hạt nước để tưới nước bằng hệ thống phun sương, thiết bị cảm ứng (chip điện tử) kết nối với phần mềm điều khiển bằng Smartphone, nhà sấy nấm bằng năng lượng mặt trời, thiết bị đóng gói nấm thành phẩm…

“Trước đây, với quy mô của trại nấm, tôi cần từ 2-3 người mới có thể đảm bảo được công việc. Từ khi áp dụng công nghệ hiện đại, được kết nối tự động, các thiết bị chạy thông qua phần mềm, chỉ cần một mình tôi cũng có thể vừa vận hành kiểm soát, vừa trồng nấm đạt hiệu quả cao” - anh Sinh phấn khởi.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Từ khi áp dụng công nghệ 4.0, anh Nguyễn Hùng Sinh đã có thể chăm sóc hàng ngàn cây nấm linh chi chỉ bằng vài thao tác vuốt Smartphone. Ưu điểm của công nghệ này là không giới hạn địa lý, dù không có mặt trực tiếp ở trại, anh vẫn có thể điều khiển bình thường.

Anh Sinh cho biết, thông thường, nhiệt độ thích hợp để cây nấm linh chi phát triển tốt dao động từ 28-300C, ẩm độ từ 80-85%. Khi thấy nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, chỉ cần mở phần mềm từ Smartphone và “ra lệnh” bằng cách nhấn nút tưới trên điện thoại là hệ thống phun sương ở trại sẽ hoạt động, đến khi nhiệt độ và độ ẩm đạt ngưỡng quy định thì hệ thống sẽ tự động ngừng. Nhờ vậy, anh Sinh tiết kiệm được chi phí và thời gian chăm sóc. Đặc biệt, bào tử trên tai nấm còn nguyên, không bị rửa trôi như cách tưới thông thường.

Theo chủ hộ kinh doanh sản xuất chế biến nấm linh chi Tri Thức, công nghệ này dùng sóng siêu âm tần số cao, tách nước thành hạt sương nhỏ khuếch tán khắp nhà trồng, giúp cây nấm phát triển tươi tốt, tay nấm đẹp, mặt trên đạt màu nâu đỏ. Hơi nước lan tỏa đều, cây nấm dễ dàng hấp thụ nên ít bị những đốm vệt nước trên bề mặt, giúp năng suất trại nấm tăng lên khoảng 30%.

Hệ thống trồng nấm được điều khiển thông minh bằng smarphone

“So với cách làm truyền thống, việc sử dụng điện thoại thông minh giúp mình rất thoải mái, dù có bận đi đâu cũng điều khiển được trại nấm. Quan trọng là nấm phát triển đồng đều hơn so với cách làm thủ công, được khách hàng ưa chuộng hơn” - anh Sinh bộc bạch.

Giờ đây, chỉ với nhà nấm 400m2, hộ kinh doanh sản xuất chế biến nấm linh chi Tri Thức đã luân chuyển gối vụ quanh năm với khoảng 5.000 bịch nấm mỗi vụ. Bình quân 1.000 bịch phôi sản xuất được 25kg nấm khô. Như vậy, cứ mỗi tháng, anh Sinh cung cấp ra thị trường hơn 50kg nấm linh chi thành phẩm. Sau khi trừ chi phí, anh thu lợi khoảng 25 triệu đồng/tháng.

“Trồng nấm đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mẩn trong từng công đoạn. Nhà trồng nấm phải thoáng mát, sạch đẹp, duy trì độ ẩm, bên ngoài dùng lưới che chắn côn trùng, còn nước tưới cho phôi phải sạch. Trong quá trình chăm sóc, phải đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở để có nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu nấm linh chi Tri Thức (đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ)” - anh Sinh cho biết.

Từ những khó khăn ban đầu, sản phẩm nấm linh chi Tri Thức đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu với khách hàng. Bên cạnh sản xuất theo đơn đặt hàng, cửa hàng, đại lý, anh Sinh còn bán hàng trực tuyến, chú trọng đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, như: nấm linh chi nguyên tai, nấm linh chi thái lát, xay nhuyễn, bào tử nấm linh chi; liên kết sản xuất rượu linh chi, trà linh chi, cao linh chi...

Nấm linh chi khô hiệu Tri Thức là 1 trong 5 sản phẩm của huyện Thoại Sơn được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là một trong những sản phẩm được lựa chọn tham gia vào giỏ quà tặng OCOP của An Giang.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xay-dung-thuong-hieu-nam-linh-chi-tri-thuc-a292653.html