Xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng nông sản.

Hiện nhu cầu về nông sản sạch, an toàn và chất lượng đang được người tiêu dùng ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung đặc biệt quan tâm. Nhiều người sẵn sàng trả mức giá cao để có được sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe.

Vì vậy, các mặt hàng nông sản cần đáp ứng những tiêu chuẩn để thu hút khách hàng, cũng như cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu hiện nay. Tuy nhiên, việc kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Nông dân và doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách, trong khi người tiêu dùng cần sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc và thương hiệu…

Điển hình, HTX rau an toàn phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) có 16 xã viên tham gia sản xuất trên 11ha, mỗi năm đưa ra thị trường trên 1.000 tấn rau các loại.

Để thuận tiện cho sản xuất, HTX xây dựng nhà máy sơ chế, đóng gói với diện tích gần 100m², kinh phí trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn một năm đi vào hoạt động, nhà máy phải đóng cửa. Nguyên nhân là sự kết nối tiêu thụ sản phẩm chưa mang lại hiệu quả. Các siêu thị trên địa bàn cần nhiều chủng loại nhưng lại lấy với số lượng ít, trong khi mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường hàng tấn nông sản.

Mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp)

Ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền, cho biết: “Chúng tôi rất muốn kết nối với doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu của siêu thị vì họ cần rất nhiều chủng loại rau (từ 50-70 chủng loại) mà nông dân thì không đủ điều kiện làm. Ngoài ra, hợp đồng cung cấp số lượng rau lại rất ít. Chẳng hạn có ngày chúng tôi thu hoạch cả chục tấn bí đao, nhưng siêu thị chỉ cần vài chục cân… thành ra không kết nối được”.

Từ các tổ hợp tác cho đến các hộ nông dân đã nhận ra, cần phải liên kết lại, nỗ lực tạo ra vùng nguyên liệu, đảm bảo về số lượng, thậm chí cả chất lượng nhưng vẫn không thể duy trì được. Bởi chất lượng có, an toàn có nhưng lại thiếu về thương hiệu để thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi đời sống ngày càng cao, nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản “ngoại” trở nên phổ biến. Vì vậy, các mặt hàng nông sản sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập.

Một trong những nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng nông sản rớt giá là do sản xuất manh mún, thiếu thông tin định hướng thị trường, sản phẩm chủ yếu ở dạng thô, chất lượng không đồng đều, quy trình chưa đảm bảo. Hơn hết là chưa có đầu tư khoa học công nghệ cũng như mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa nên số lượng sản phẩm ít, chưa ổn định.

Cần có sự liên kết giữa người nông dân với những doanh nghiệp có đầu ra. Khi hai bên cùng hợp tác thì vai trò của doanh nghiệp sẽ là đầu tàu để đưa khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. Lúc đó, nông sản của bà con nông dân có đầu ra và thương hiệu của doanh nghiệp được nâng lên.

Theo TS Đoàn Hữu Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam), để nâng cao giá trị nông sản, trước mắt cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đảm bảo các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính, như: sản lượng lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh.

Cụ thể, tận dụng lợi thế giống ngon có sẵn, tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ; sản xuất rải vụ gắn liền với liên kết lớn, xây dựng và giữ vững thương hiệu; giống mới, bảo hộ giống và mô hình sản xuất mới.

Các địa phương vùng ĐBSCL đang nỗ lực tổ chức sản xuất theo hướng phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát; nâng cao chất lượng nông sản và gia tăng giá trị của sản phẩm... làm nền tảng cho việc xây dựng thương hiệu.

Do vậy, các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục tuyên truyền, thay đổi nhận thức để khắc phục tình trạng sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, công nghệ lạc hậu. Đồng thời cần tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng vấn đề không kém phần quan trọng là phần lớn lao động của vùng ĐBSCL chưa được đào tạo chuyên môn tốt. Đa số xuất thân từ nông thôn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống.

Từ thực tế này, cần có quy hoạch, phân luồng đào tạo chuyên môn và dạy nghề, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, cán bộ quản lý có năng lực để cung cấp cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất sản xuất hàng hóa chủ lực của vùng gắn với vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.

Đức Văn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/xay-dung-thuong-hieu-gan-voi-chat-luong-nong-san-459252/