Xây dựng thương hiệu cho làng nghề truyền thống

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ đơn thuần mang lại giá trị kinh tế, góp phần khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm làng nghề truyền thống tại Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn.

Bản Cỏ Noong (Mường Nọc - Quế Phong) có gần 50 chị em tham gia dệt thổ cẩm, mỗi tháng mang lại thu nhập bình quân mỗi người trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Chị Quang Thị Hòa - Hội viên làng nghề dệt thổ cẩm bản Cỏ Noong cho biết: Đây là thời điểm bận rộn nhất của chị em, càng về những tháng cuối năm là mùa lễ tết, cưới hỏi, nhu cầu, váy áo, khăn, túi, đệm… đang tăng, nếu không tranh thủ làm từ bây giờ đến tết sẽ không kịp giao hàng. Cách thị trấn Kim Sơn không xa, bản Đan (Tiền Phong) cũng là điểm sáng trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống. Theo chị Hà Thị Thìn, những sản phẩm của chị em làm ra luôn được khách hàng ưa chuộng. Và nay cả bản có gần 100 chị em tham gia giữ nghề.

Bên cạnh dệt thổ cẩm, ở Quế Phong còn có nghề đan lát với những nguyên liệu có sẵn, bà con đan những vật dụng hàng ngày như: Ép xôi, mâm mây… giá cả phải chăng, lại tiện ích với cuộc sống hàng ngày, nguyên liệu thân thiện với môi trường nên được thị trường ưa chuộng. Ông Lô Văn Tình ở bản Piểu (Châu Thôn) cho biết, những người có nghề trong bản hiện không còn nhiều, trong khi các tiểu thương đến đặt hàng nhiều, vì vậy nhiều khi phải làm cả đêm mới kịp... Tính trung bình, mỗi tháng ông Tình kiếm được 5 triệu đồng từ việc đan lát.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại các làng nghề

Phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại các làng nghề

Thực tế cho thấy, hoạt động của các làng nghề ở Nghệ An sản xuất chủ yếu tại các hộ gia đình dưới hình thức tự phát, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thiết bị lạc hậu. Trình độ tay nghề kỹ thuật chưa cao nên năng suất thấp, mẫu mã sản phẩm đơn giản, độ tinh xảo của sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Phương thức tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề là tự tiêu thụ ở các chợ hoặc qua thương lái.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở xã Quỳnh Diện, huyện Quỳnh Lưu

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống, thời gian tới, Nghệ An cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ các cơ sở sản xuất làng nghề thủ công truyền thống nói chung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh. Từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng 100 sản phẩm mang thương hiệu Nghệ An. Theo đó, các địa phương lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, đặc trưng để đầu tư, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm đó. Đặc biệt, các làng nghề nên thường xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm, hàng hóa mới thông qua hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, từng bước tiến tới giao dịch bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian, giá cả công khai hoặc thông qua kênh bán hàng trên internet, website của Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã…

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-dung-thuong-hieu-cho-lang-nghe-truyen-thong-128526.html