Xây dựng thương hiệu chè trên vùng đất Tổ

Bước sang năm thứ 18 trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, vượt qua nhiều thăng trầm của việc chuyển đổi mô hinh kinh doanh, Công ty Chè Phú Đa (Tổng công ty Chè Việt Nam) đang hướng tới mục tiêu xây dựng được thương hiệu chè bền vững theo hướng sản xuất chè sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị cây chè và đời sống người làm chè.

Tổng giám đốc Công ty Chè Phú Đa - Lê Hải Châu (trái) - giới thiệu vùng chè nguyên liệu với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ

Công ty Chè Phú Đa là công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài, vốn pháp định là 15,1 triệu USD. Trong đó, phía Iraq đại diện là Công ty Thương mại thực phẩm nhà nước Baghdad (Foodstuff) góp 8,1 triệu USD, chiếm 55%; phía Việt Nam do Tổng công ty Chè Việt Nam (Công ty CP Vinatea Jsc) làm đại diện góp 6,8 triệu USD, chiếm 45%. Từ năm 2000-2015, phần vốn góp của Việt Nam thuộc sở hữu của nhà nước; từ tháng 1/2016 đến nay, công ty chuyển sang mô hình cổ phần thuộc sở hữu của Tập đoàn GTN.

Sau một thời gian thực hiện chuyển đổi mô hình, Công ty Chè Phú Đa đã có những bước chuyển biến lớn từ hoạt động sản xuất đến kinh doanh. Nằm trên vùng nguyên liệu dồi dào ở 4 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Tam Nông (Phú Thọ), công ty sở hữu 1.500ha vườn chè với nhiều giống chè chất lượng tốt. Năng suất bình quân là 17 tấn/ha, nhiều diện tích đạt 30 tấn/ha; tổng sản lượng khoảng 22.000 - 24.000 tấn chè búp tươi/năm. Bên cạnh đó Công ty Chè Phú Đa có 3 nhà máy chế biến chè đen OTD ở thị trấn Thanh Sơn, xã Minh Đài và xã Tân Phú, với công suất 180 tấn chè búp tươi trên ngày. Lực lượng lao động trên 4.100 lao động, trong đó, trên 2.100 lao động tham gia đóng BHXH và 2.000 lao động nhận khoán vườn chè. Dù chủ sở hữu của công ty thuộc nhà nước quản lý hoặc cổ phần thì công ty luôn tôn trọng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách của Nhà nước.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu chè sạch, chè an toàn, năm 2017 Công ty Chè Phú Đa đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng Nhà máy chè Phú Long giai đoạn 1 với số vốn 4,1 tỷ đồng đầu tư cho việc nâng cấp trang thiết bị, xây dựng đường bê tông lên đồi chè và bể chứa nước. Xây dựng vùng nguyên liệu 1.462ha chè theo tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững (R/A).

Bước vào năm 2018, mặc dù chưa phải đã hết khó khăn, Công ty Chè Phú Đa vẫn tập trung đầu tư 30 tỷ đồng, trong đó bao gồm: xây dựng Nhà máy chè Phú Long giai đoạn 2 giá trị 22,3 tỷ đồng, nâng cấp và tự động hóa dây chuyền sản xuất nhà máy 4,7 tỷ đồng ; xây dựng 20ha chè hữu cơ (Organic) 2 tỷ đồng, đầu tư cải tạo vườn chè 1 tỷ đồng, và tiếp tục duy trì sản xuất chè búp tươi theo tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững, chè hữu cơ.

Có thể nói, việc sản xuất nông nghiệp sạch đã thay đổi toàn diện nhận thức canh tác theo tập quán sang thâm canh chiều sâu. Công tác bảo vệ thực vật được chú trọng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Theo ông Lê Hải Châu, Tổng giám đốc Công ty Chè Phú Đa, nhờ chuyển đổi quy trình sản xuất chè an toàn tiêu chuẩn R/A, mà giá trị sản phẩm và thương hiệu của công ty được tăng lên. Chính vì thế, giá thu mua đầu vào cho bà con cũng đã được tăng lên đáng kể so với phương thức sản xuất trước đây, giúp nâng cao đời sống của người làm chè.

Cũng theo ông Châu, sản xuất chè an toàn tiêu chuẩn R/A giúp ngành chè trong nước mở ra cơ hội thâm nhập vào các thị trường nước ngoài khó tính. Hiện tại, các sản phẩm chè Phú Đa cũng đã có mặt tại nhiều thị trường như: Trung Đông, Nga, Thụy Điển… và được cấp chứng chỉ ISO 22.000, chứng nhận HACCP và chứng chỉ Nông nghiệp bền vững R/A.

Việc mở rộng xuất khẩu giúp giá trị các sản phẩm ngành chè được tăng lên, đồng thời cùng đặt ra yêu cầu phải xây dựng được mô hình sản xuất khép kín, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về chất lượng từ vùng nguyên liệu đến các sản phẩm khi đến tay khách hàng. Để làm được điều đó, cần sự chung tay góp sức của cả doanh nghiệp và những người dân trồng chè.

Trong buổi làm việc mới đây tại công ty, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - Bùi Minh Châu - đã đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian qua, đặc biệt từ khi chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần. Mặc dù là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng công ty đã quan tâm đến hoạt động Đảng, đoàn thể trong công ty, trở thành một điểm sáng trong sản xuất kinh doanh, trong năm 2017 đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 22 tỷ đồng.

Ông Lại Cao Lê - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Chè Việt Nam - Công ty cổ phần) chia sẻ, trong tiến trình tiến hành cổ phần hóa tại Công ty Chè Phú Đa cũng có không ít khó khăn, có những người đồng hành cùng công ty phát triển, nhưng cũng có số ít người làm ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty. Quan điểm của công ty là công ty muốn tồn tại và phát triển được là dựa vào bà con nông dân và những người công nhân ngành chè. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến, đổi mới mạnh mẽ từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần. “Sự cố gắng nỗ lực của tập thể lao động công ty trong quá trình cổ phần hóa đến nay đã đạt được kết quả tốt. Từ đó đóng góp vào mục tiêu ngành chè trên đất nước Việt Nam nói chung, ngành chè ở tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ ngày càng phát triển, đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế bằng những thương hiệu bền vững và đáp ứng được đòi hỏi của thị trường”, ông Lê nói.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/xay-dung-thuong-hieu-che-tren-vung-dat-to.html