Xây dựng thương hiệu 'Chè Long Phú'

Thôn Long Phú, xã Hòa Thạch vốn là vùng chè nổi tiếng của huyện Quốc Oai (Hà Nội), tuy nhiên do không được quan tâm chăm sóc nên năng suất và chất lượng chè nơi đây khá thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, cây chè đã được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển hơn. Đặc biệt, việc chú trọng triển khai sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang là hướng đi mới nhưng cũng từng bước phát huy hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Hồng Thuận - Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch, hiện cây chè được địa phương khuyến khích phát triển, đặc biệt là việc triển khai sản xuất và tiêu thụ chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích chè an toàn bởi vậy cũng tăng theo từng năm và từng bước mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Cây chè trên đất Long Phú đang từng bước phát huy được hiệu quả kinh tế

Nói sâu hơn về cây chè, ông Đỗ Tiến Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Long Phú cho biết: Với đặc thù địa hình miền núi trung du, các nương chè tại Long Phú phần lớn được trồng từ năm 1988. Trải qua nhiều năm, cây chè dần bộc lộ nhược điểm là già cỗi, năng suất, chất lượng kém. Tuy nhiên, nghề trồng chè vẫn đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân địa phương. Để tận dụng những tiềm năng, thế mạnh vốn có cùng với sự xúc tiến của UBND xã Hòa Thạch, và UBND huyện Quốc Oai, năm 2012, công tác khôi phục, cải tạo diện tích chè cũ được tiến hành. Thời điểm này, Long Phú bắt đầu triển khai mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội phối hợp thực hiện.

Năm 2016, mô hình trồng mới, cải tạo giống chè già cỗi với diện tích 4ha và mô hình trồng 10ha sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã bước đầu định hình, từng bước trở thành vùng nguyên liệu lớn cho các công ty sản xuất chế biến chè. Theo Giám đốc Hợp tác xã Long Phú, sản xuất chè theo mô hình VietGAP cho năng suất chè trung bình đạt 9 - 16 tấn/ha, giá trị đạt 150.000 - 225.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần so với chè sản xuất đại trà.

Hiện diện tích chè an toàn trên địa bàn đã được mở rộng ra khoảng 20ha với 34 hộ trực tiếp tham gia sản xuất. Các giống chè cho năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên... hiện cũng đã được nhân rộng. Ngoài năng suất và sản lượng cao, việc sản xuất chè an toàn còn tích cực ở chỗ, góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân trong vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, thông qua việc đẩy mạnh sử dụng các loại thuốc đặc hiệu, có tính an toàn và ít độc hại thì số lần dùng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè cũng được chú trọng giảm thiểu tối đa. Chè an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá trị sản phẩm vì vậy cũng được tăng từ 15-20%. Bên lề câu chuyện, ông Hùng cho biết, hiện tại việc duy trì và phát triển diện tích chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hòa Thạch khó khăn nhất là đầu ra chưa ổn định, sức cạnh tranh chưa cao. Ngoài ra, do không có trong danh sách áp dụng mô hình về công nghệ cao năm 2017, 2018 của ngành nông nghiệp nên thời gian tới người trồng chè sẽ không còn được hỗ trợ về kỹ thuật.

Rõ ràng, cây chè ở thôn Long Phú, xã Hòa Thạch đã đang là một tiềm năng, thế mạnh kinh tế của địa phương. Việc phát triển chè theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần làm tăng tính bền vững, giúp người dân có thu nhập, việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương.

Vấn đề cần tháo gỡ cho cây chè nơi đây chính là khâu tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu để mở rộng đầu ra cho sản phẩm. “Đáng mừng là hoạt động xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chè sạch mang tên “Chè Long Phú” đã hoàn thành. Thời gian tới ngoài việc đẩy mạnh phát triển diện tích chè an toàn lên 20ha thì việc tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sẽ được chú trọng hơn” – ông Hùng chia sẻ.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/xay-dung-thuong-hieu-che-long-phu-63889.html