Xây dựng thương hiệu cam Bản Sen

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu cam bản địa, hiện cam Bản Sen (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã trở thành cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ông Kiều Văn Tân, thôn Nà Na, xã Bản Sen (Vân Đồn) bên vườn cam sai trĩu quả.

Cụ Phạm Thị Tỉnh, 82 tuổi, ở thôn Bản Sen kể: Không biết cam được trồng ở Bản Sen từ khi nào, chỉ biết khi sinh ra, lớn lên, cam được trồng khắp xã đảo rồi.

Ông Phạm Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Cam được trồng chủ yếu ở 5/6 thôn của xã với 3 loại là cam sen, cam giấy và cam tẩu. Tuy 3 loại cam khác nhau nhưng đều thích nghi trồng ở khu vực sườn đồi, nơi có độ dốc lớn hoặc trên những núi đá vôi. Chất lượng của 3 loại cam này có đặc trưng riêng, đối với cam giấy (còn gọi cam đường) quả mọng, múi vàng nhạt, nước nhiều, thu hoạch khoảng thời gian từ đầu tháng 10 đến hết tháng 11 (dương lịch); cam sen (còn gọi cam sành) có vỏ vàng bóng, múi đỏ, nhiều nước, vị sắc, thơm, thường thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán; cam tẩu (gọi cam bố hạ) có vị ngọt dịu, vỏ mỏng, khi chín màu vàng nhạt, thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng 12 (dương lịch).

Đặc biệt cam trồng trên chất đất ở các khu vực núi đá vôi thuộc 3 thôn là: Bản Sen, Nà Sắn và Đồng Gianh, có chất lượng thơm, ngon không nơi đâu có được.

Chị Đào Thị Thu Xuân, thôn Đông Lĩnh (xã Bản Sen) bên cây cam mới trồng.

Ông Kiều Văn Tân ở thôn Nà Na là một trong những hộ có diện tích cam lớn nhất xã Bản Sen. Hiện nay vườn cam của ông đã được cải tạo quy hoạch, đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt máy bơm dong ống tưới cho cam. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật chăm sóc để cam phát triển thuận lợi, cho năng suất cao hơn.

Vườn cam của gia đình ông Tân gây ngỡ ngàng cho du khách với hàng nghìn cây, quả chín vàng trĩu trịt. Ông Tân chia sẻ: Năm nay được mùa cam vì thời tiết thuận lợi, lúc cam đơm hoa, kết trái, ít có mưa nên sản lượng tăng hơn mọi năm. Tuy nhiên, giá cam năm nay thấp hơn một chút, cam giấy có giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg.

Thời điểm này, năm 2017 giá cam giấy khoảng 40.000 đồng/kg; còn cam sen bán giáp Tết Nguyên đán có giá 70.000 đồng/kg. Năm nay gia đình ông Tân dự kiến đạt khoảng 20 tấn quả, cho thu nhập 600 triệu đồng. Gia đình ông Tân là một trong số rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bản Sen đầu tư phát triển mô hình trồng cam đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, xã Bản Sen đã định hướng phát triển cây cam truyền thống trở thành sản phẩm chủ lực. Xã đã quy hoạch, lựa chọn 2 thôn Đông Lĩnh và Bản Sen - nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển mở rộng cây cam truyền thống này. Trong đó thôn Đông Lĩnh đưa cam vào mô hình vườn mẫu để người dân trồng tích cực phát triển.

Du khách đến Bản Sen trải nghiệm bên vườn cam.

Chị Đào Thị Thu Xuân ở thôn Đông Lĩnh có 500 cây cam sen và cam giấy bản địa được 1 năm tuổi. Theo chị Xuân, nhận thấy giống cam truyền thống này ngày càng có giá trị trên thị trường, địa phương đã tạo điều kiện cấp đất để mở rộng diện tích cam. Số cây cam này khoảng 2 năm tuổi sẽ bắt đầu cho thu hoạch.

Cùng với việc khuyến khích người dân đưa cây cam truyền thống phát triển, nâng cao thu nhập, địa phương cũng phối hợp cùng chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Xã đang xây dựng thương hiệu cho cam Bản Sen vào chương trình OCOP của huyện.

Trên địa bàn xã có khoảng 90 hộ có mô hình cam, với tổng diện tích 120ha, trong đó có 15 hộ trồng từ 3-4ha với năng suất xấp xỉ 100 tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đầu ra cho sản phẩm cam Bản Sen vẫn chưa ổn định. Các hộ dân vẫn tự tiêu thụ, bán cho các thương lái là chính, khi cam đến tay người tiêu dùng thường có giá rất cao. Thậm chí bị thương lái ép giá, nên người trồng cam trên địa bàn vẫn lo lắng trong việc phát triển mở rộng cây cam này.

“Ước muốn của người dân là một ngày nào đó quả cam Bản Sen sẽ được bày bán tại các siêu thị ở trong và ngoài tỉnh, để người tiêu dùng biết đến cam của chúng tôi” - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Sen chia sẻ.

Dương Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/xay-dung-thuong-hieu-cam-ban-sen-2410132/