Xây dựng, thực hiện và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, có thể đã được xem là một trong những địa phương đi đầu đóng góp những nhân tố mới cho quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường của nước ta. Từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thành phố đã 'tự tin' hơn trong vận hành, có nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Xây dựng, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Thành phố đã tập trung chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức về những nội dung cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng đến đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, sớm ban hành Chương trình hành động, Kế hoạch thực hiện nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhờ vậy, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được sáng tỏ hơn thông qua thực tiễn điều hành kinh tế - xã hội của chính quyền Thành phố. Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, ngày càng phát huy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã từng bước phù hợp với cơ chế thị trường. Cả hệ thống chính trị Thành phố nhất quán quan điểm, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết, can thiệp của Nhà nước với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, song cách thức Nhà nước can thiệp vào thị trường không phải là các mệnh lệnh hành chính mà phải thông qua các công cụ kinh tế. Thành phố đã chủ động đề xuất nhiều biện pháp, giải pháp bình ổn thị trường, tháo gỡ những khó khăn về vốn cho doanh nghiệp thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng, đạt được những kết quả rõ nét. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố trước khi triển khai Chương trình Bình ổn thị trường (năm 2009) tăng 7,71%, đến năm 2014 chỉ tăng 1,65%, năm 2015 giảm 0,2% so với năm 2014; đặc biệt, CPI của Thành phố luôn tăng thấp hơn cả nước kể từ năm 2010 đến nay. Thành phố triển khai Chương trình Bình ổn thị trường xuyên suốt trong năm thay vì chỉ trong dịp Tết với quy mô, đối tượng ngày càng được mở rộng, phương thức thực hiện đổi mới theo hướng tăng cường tính tự chủ của các doanh nghiệp, chủ động liên kết các địa phương trong cả nước nhằm chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng, gắn kết với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, không chỉ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội mà còn góp phần thực hiện mục tiêu khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.

Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá của Thành phố. Doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngân hàng nhanh hơn, được tư vấn hỗ trợ quản lý sử dụng vốn vay có hiệu quả, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, hạn chế tình trạng tín dụng đen, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu..., đặc biệt đã góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh hàng hóa của các nước xâm nhập thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, giá cả rất cạnh tranh do việc cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập.

Thành phố vẫn duy trì sự hấp dẫn trong thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế nhờ quan tâm cải thiện môi trường đầu tư; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ theo đúng lợi thế của một đô thị lớn. Trong điều kiện hội nhập, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố đã có sự thay đổi để phù hợp với điều kiện mới, bảo đảm nguyên tắc vận hành của thị trường như hỗ trợ đào tạo kiến thức, xúc tiến thương mại… Nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế được nâng lên một bước, đã chủ động tìm kiếm thông tin, đón nhận cơ hội từ việc mở cửa thị trường trong lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết WTO, FTA. Nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ muốn phát triển bền vững không thể dựa vào sự bảo hộ của Nhà nước. Trong quá trình hội nhập, các vấn đề an ninh, văn hóa, xã hội và môi trường của Thành phố được chú trọng và cơ bản vẫn được kiểm soát tốt, bảo đảm phát triển bền vững.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành không ngừng được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó đáng chú ý là sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa các loại hình doanh nghiệp đã được xác lập, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có cơ hội cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan nhà nước thông qua việc tham gia đấu thầu với các gói thầu được công bố công khai. Trong việc triển khai chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thành phố đã cùng với Trung ương không ngừng rà soát các chính sách phát triển các thành phần kinh tế, tạo cơ chế bình đẳng chung cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển. Đặc biệt, Thành phố đã đóng góp với Trung ương hoàn thiện một số nội dung về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và Luật Đất đai.

Công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố được đẩy mạnh, trong đó có việc rà soát, điều chỉnh các văn bản không phù hợp với quy định của WTO. Tính đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được nhấn mạnh, cơ sở pháp lý trở thành một nội dung đặc biệt quan trọng trong các quyết định chính sách. Giai đoạn trước năm 2007, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo rà soát, đối chiếu 1.553 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ năm 1976, trong đó văn bản còn hiệu lực gồm 1.221 văn bản (có 433 văn bản có nội dung liên quan đến yêu cầu cần rà soát, đối chiếu). Dựa trên Bảng đối chiếu so sánh các yêu cầu của Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và các quy định của WTO với các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành, đã bãi bỏ 97 văn bản; sửa đổi, bổ sung 20 văn bản có nội dung không còn phù hợp qua nhiều lần rà soát, từ năm 2007 đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành quyết định bãi bỏ 104 văn bản; sửa đổi, bổ sung 32 văn bản.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cho nước ta nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức, và nhiều hoạt động trong nền kinh tế bị tác động không nhỏ từ quá trình hội nhập này. Do vậy, việc nắm bắt diễn biến tình hình thực tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý. Chính sự theo dõi sát diễn biến tình hình thực tế giúp lãnh đạo thành phố có chỉ đạo chính xác và kịp thời. Trước những diễn biến phức tạp trong nền kinh tế, với thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, dễ xảy ra những trường hợp thông tin giả, thông tin không chính xác làm xáo trộn thị trường, đặc biệt trong thị trường tín dụng, những thông tin không chính xác gây hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Thành phố luôn sâu sát để lựa chọn thông tin chính xác để phân tích, xử lý và có hướng chỉ đạo các ngành, các cấp một cách hợp lý và kịp thời.

Một số hạn chế cần khắc phục

Kinh tế thị trường càng phát triển thì những hạn chế, khuyết tật của nó cũng được bộc lộ không ít, nó tồn tại không chỉ riêng tại Thành phố mà còn ở trong cả nước. Cụ thể:

Thứ nhất, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội, khoảng cách giữa nhóm người có thu nhập cao nhất và nhóm người có thu nhập thấp nhất ngày càng lớn. Đây là vấn đề lớn đặt ra, mà Đảng và Nhà nước cần tiếp tục triển khai đồng bộ những biện pháp về chính sách xã hội với mục đích nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho tầng lớp dân cư nghèo, bị yếu thế nhằm thu hẹp dần sự phân hóa.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp, các ngành còn chậm, đặc biệt là ở nội dung thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết thành quy định của pháp luật, bỏ lỡ cơ hội để thực hiện cơ chế giá thị trường đối với những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, giá các dịch vụ công (y tế, giáo dục…) khi điều kiện nền kinh tế thuận lợi cho việc điều chỉnh giá, điều này làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Mặc khác, chất lượng của các quy phạm pháp luật còn hạn chế nên nhiều văn bản mới ban hành, thực hiện trong thời gian ngắn, thậm chí chưa có hiệu lực như trường hợp của Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hay Bộ luật Hình sự năm 2015 phải sửa đổi hay lùi thời điểm có hiệu lực làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào tính nghiêm minh, tính pháp chế của pháp luật. Văn bản hướng dẫn chậm được ban hành, làm chậm quá trình triển khai thực hiện quy định mới, chính sách mới.

Thứ ba, một số cơ chế, chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của cả nước còn bất cập, thiếu ổn định, liên tục thay đổi đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh, nhất là chính sách tài khóa, tài chính tín dụng chậm đi vào cuộc sống, đã tác động tiêu cực đến các loại thị trường. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thiếu; chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của xã hội trong việc huy động nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất - kinh doanh.

Thứ tư, trình độ phát triển của các loại thị trường thấp, vận hành chưa thật sự đồng bộ, thông suốt. Trong đó, thị trường lao động và thị trường dịch vụ công có cơ cấu còn chưa hợp lý; thị trường tài chính - tiền tệ và thị trường bất động sản chứa đựng nhiều rủi ro; thị trường khoa học - công nghệ phát triển chậm.

Thứ năm, công tác dự báo chưa kịp thời, chưa lường hết những diễn biến khó khăn, phức tạp của tình hình kinh tế cả nước và thế giới. Công tác điều hành tuy có chủ động, tích cực, quyết liệt nhưng thiếu chính sách, giải pháp đủ mạnh nhằm tạo sự đột phá thực hiện các mục tiêu đề ra. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa đồng bộ; chưa có một “nhạc trưởng” thực thụ trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng kinh tế; thủ tục hành chính tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thành phố.

Để góp phần hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố trong thời gian tới

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng: “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế…”, để góp phần hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể: Tiếp tục nghiên cứu, góp phần luận giải các vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của Nhà nước và vai trò của thị trường trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như các vấn đề về mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghiêm túc thực hiện Kết luận số 103-KL/TW, ngày 29-9-2014, của Bộ Chính trị với các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản: Tạo sự đồng thuận cao hơn trong xã hội về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; Thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng; Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Khuyến khích đẩy mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh. Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoàn thiện thể chế bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu và quyền tài sản. Hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Bốn là, phát triển hệ thống thị trường đồng bộ, hiện đại. Hoàn thiện thể chế về giá, phí, về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh. Phát triển đồng bộ các loại thị trường. Hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng Chương trình, dự án; trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường. Chú trọng nghiên cứu, ban hành đồng bộ các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, thống nhất, tăng tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Hoàn thiện thể chế Vùng Kinh tế trọng điểm, liên kết vùng, quy hoạch và phân công, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại. Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo vai trò làm chủ của nhân dân, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Sáu là, xây dựng các Chương trình, Đề án cụ thể nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh./.

Phạm Thắng

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/kinh-te/2018/50969/xay-dung-thuc-hien-va-hoan-thien-co-che-kinh-te-thi.aspx