Xây dựng Thừa Thiên - Huế thành Thành phố hạnh phúc

Sáng 26-10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên – Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trình bày bối cảnh xây dựng nhiệm vụ quy hoạch và quá trình thực hiện.

Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Thừa Thiên – Huế trở thành Thành phố Di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; Trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu; Trung tâm của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; “Quê hương của hạnh phúc”- nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; thu hút khách về “quê hương” lôi cuốn du khách trên thế giới “về quê” để tìm lại hạnh phúc, đạt trải nghiệm đích thực, khó quên.

Mục tiêu này dựa trên các trụ cột phát triển Thừa Thiên – Huế gồm: Phát triển TP Huế thành 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam, là 1 trong 30 Thành phố Di sản của Đông Dương với tư cách là “Thành phố Festival, trung tâm du lịch văn hóa đặc sắc của châu Á”; Xây dựng một đô thị lịch sử sống động với mục tiêu đưa Huế thành đô thị sáng tạo văn hóa; Nuôi dưỡng, phát triển ngành công nghiệp trí thức chất lượng cao để đưa Huế thành đô thị công nghiệp trí thức; Xây dựng đô thị thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên để đưa Huế thành đô thị môi trường kiểu mẫu theo Quyết định 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế, tầm nhìn đến năm 2050.

TP Huế nhìn về phía biển và đầm phá

Ông Phan Ngọc Thọ cũng nêu quan điểm phát triển chính của Thừa Thiên – Huế trong thời gian tới là “Phát triển nhanh dựa vào nền tảng tri thức, phát triển bền vững dựa vào nên tảng văn hóa” và mong muốn với nhân dân, cộng đồng và doanh nghiệp xây dựng “Giấc mơ Huế”, xây dựng Thừa Thiên – Huế với một chiến lược khác biệt, độc đáo, đẳng cấp. Đặc biệt, quan điểm phát triển của Huế phải đạt tầm khu vực và quốc tế.

“Chúng tôi cần sự đồng lòng của nhân dân, trí thức, cộng đồng, doanh nghiệp và lãnh đạo để cùng xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố Hạnh phúc”, ông Phan Ngọc Thọ cho biết.

Huế sẽ là đô thị môi trường kiểu mẫu

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, quy hoạch Thừa Thiên – Huế phải dựa trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản và văn hóa; lịch sử và cảnh quan tự nhiên và con người Huế.

Bên cạnh đó, cần phát huy các lợi thế so sánh của Thừa Thiên – Huế là: Vùng di sản; cố đô Huế còn khá nguyên vẹn; vùng đầm phá với quy mô 22.000ha và nguồn nhân lực Huế.

Phát triển TP Huế thành 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia trong hệ thống đô thị Việt Nam.

KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng đề án phát triển đô thị Huế đến năm 2030, từ 70km2 hiện hữu lên 348km2 với 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2020-2025), xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương với quy mô khoảng 267km².

Giai đoạn 2 (2025-2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và quy hoạch chung TP.

Huế đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348km².

Việc mở rộng đô thị Huế là chủ trương rất đúng đắn trong bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đố Huế là một đô thị quan trọng, hiện đang phát triển nhanh và rất mạnh, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển đô thị và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tỉnh cần được tư vấn với tầm nhìn sâu và rộng, để tạo nên một định hướng phát triển mới, mở ra vận hội mới cho Thừa Thiên– Huế, với tầm nhìn xa, không chỉ cho ba chục năm, mà phải hàng trăm năm, đi kèm với kế hoạch thực hiện quy hoạch, cho các giai đoạn ngắn và dài hạn 5 năm, 10 năm, vài chục năm sau mà không phải lo lắng các chương trình phát triển có thẻ gây hại cho nhau, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau, gây hại cho phát triển kinh tế và phát triển đô thị.

KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi ý những định hướng chiến lược, với cách nhìn mới, tầm nhìn trăm năm cho việc mở rộng và phát triển đô thị và vùng nông thôn của tỉnh Thừa Thiên – Huế với các yêu cầu và mục tiêu cũng như hàng loạt câu hỏi chiến lược: Phát triển, mở rộng Huế và các địa phương khác trong tỉnh như thế nào? Hướng nào sẽ có thể là hướng chủ đạo trong trăm năm tới? Làm sao đảm bảo sự hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển của địa phương? Làm sao bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn được giá trị thiên nhiên và môi trường sinh thái của Huế? Ứng phó với biến đổi khí hậu? Làm sao phù hợp được phát triển đô thị và nông thôn song hành với phát triển kinh tế xã hội? Bảo tồn và phát triển các giá trị đô thị di sản, đô thị đáng sống, đô thị thông minh… như thế nào? Làm sao thu hút nguồn đầu tư cho các dự án và hạ tầng trọng điểm trong quá trình phát triển?

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xay-dung-thua-thien-hue-thanh-thanh-pho-hanh-phuc-624766.html