Xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu 'thần tốc' nhưng hiệu quả

Chỉ nửa năm triển khai xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM), thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn) đã được công nhận đạt chuẩn. Theo đánh giá từ Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, Văn Châu đã trở thành điển hình của tỉnh trong việc triển khai nhanh nhưng không chạy theo thành tích mà hướng đến chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện 14 tiêu chí của thôn NTMKM.

Mọi ngõ xóm tại thôn Văn Châu đều được mở rộng hơn 4m với hệ thống tường rào thông thoáng. Ảnh: Lê Đồng

Sau hơn 4 tháng trở lại thôn Văn Châu, chúng tôi ghi nhận những đổi thay đến ngỡ ngàng trong việc phát triển các vườn mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng hệ thống tường rào nhà dân theo phương châm thông thoáng và đồng bộ... Đặc biệt, toàn bộ đường làng, ngõ xóm nơi đây đều được Nhân dân đồng thuận hiến đất để mở rộng từ 4m trở lên. Ngoài đường chính của thôn rộng mở hơn 8m, bất cứ ngõ nào xe ô tô cũng đã vào đến nhà dân. Từ những ngõ xóm chỉ rộng trên dưới 2m trước đây, thì hiện nay, các xe ô tô tải nhỏ có thể vào tận sân các hộ để chở bánh đa nem, bánh đa vừng hay nông sản đưa đi tiêu thụ nên hoạt động sản xuất của Nhân dân được thuận lợi hơn nhiều.

Ông Nguyễn Hữu Bốn, bí thư chi bộ, trưởng thôn Văn Châu đã dẫn chúng tôi dạo bộ khắp các tuyến đường. 100% hệ thống giao thông nơi đây được bê tông hóa bằng phẳng. Trên những ngõ xóm sạch sẽ và rộng mở, nhộn nhịp cảnh phơi lúa, phơi rơm của bà con trong vụ gặt. Mùi rơm thơm tỏa hương phảng phất bên những bồn hoa sặc sỡ khoe sắc đã gây ấn tượng với những vị khách đến tham quan. Những bức tường rào nhà dân “khô cứng” của những tháng trước đây đều được phá bỏ, xây lùi vào để mở rộng đường. Những tường rào mới có sự hỗ trợ kinh phí của huyện Đông Sơn và xã Đông Văn để đồng bộ bằng những tấm bê tông đúc sẵn thoáng đãng, có hoa văn nên “mềm mại” hơn nhiều.

Theo ông Nguyễn Hữu Bốn, “Sau khi có các nghị quyết của Huyện ủy Đông Sơn và Đảng ủy xã Đông Văn, ngày 10–2–2020, đoàn công tác của huyện về phổ biến và cùng thôn triển khai xây dựng NTMKM, chi bộ chúng tôi đã tiếp thu, họp bàn, ra nghị quyết để triển khai đến Nhân dân. Tất cả các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trong thôn đều được giao nhiệm vụ, cùng vào cuộc”. Trong quá trình triển khai, thôn được sự định hướng cũng như hỗ trợ về kinh phí để thực hiện phát triển hạ tầng. Cụ thể, huyện Đông Sơn hỗ trợ thôn 125 triệu đồng/km chạy dài tường rào thông thoáng bằng tấm bê tông có song thưa và hoa văn đồng bộ. Xã Đông Văn hỗ trợ Nhân dân trong thôn toàn bộ xi măng đổ bê tông mặt đường, xây rãnh thoát nước, bồn hoa... Kể từ khi xây dựng thôn NTMKM, Nhân dân trong thôn cũng đồng tình đóng góp hơn 1 triệu đồng/nhân khẩu để thực hiện các tiêu chí, trong đó chủ yếu là xây dựng hệ thống hạ tầng. “Có những lúc chưa có kinh phí nhưng thôn vẫn xây dựng được những công trình công cộng. Chúng tôi đã vận động các công ty xây dựng bỏ vốn thi công, đến mùa thu hoạch, các hộ lại đóng góp để trả” – ông Bốn chia sẻ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, sáng tạo nhất của thôn Văn Châu trong quá trình triển khai xây dựng NTMKM có lẽ là thành lập các tổ tự quản để từng nhóm hộ tự động viên, có trách nhiệm triển khai những công việc chung. Việc này được giao cho chi hội người cao tuổi vận động để triển khai thành lập các tổ. Mỗi một khu vực dân cư từ 10 đến 15 gia đình được ghép thành một tổ, bầu người có trình độ và uy tín nhất làm tổ trưởng. Từng tổ tự quản bàn bạc để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các tiêu chí NTMKM, như: giữ gìn an ninh, phát triển kinh tế hộ, xây dựng các công trình... Khi xã hay thôn triển khai các công việc liên quan đến xây dựng NTMKM, các tổ trưởng đều được yêu cầu đến tham gia, tiếp thu ý kiến cũng như những chỉ đạo của cấp trên để về cùng triển khai. Nói vui với chúng tôi, cụ Trần Văn Thêm, chi hội trưởng người cao tuổi thôn Văn Châu, dí dỏm: “Tôi thấy giao việc vận động các tổ tự quản cho người cao tuổi chúng tôi là hợp lý. Các hội viên người cao tuổi đều là bố mẹ, là ông bà các chủ hộ cả. Nhiều người trong thôn có làm đến cán bộ huyện, làm việc ở tỉnh thì về nhà cũng phải nghe bố mẹ, ông bà”. Từ đó, mọi công việc được triển khai rất nhanh bởi các tổ tự quản chính là cánh tay nối dài của chính quyền thôn. Mỗi tháng một lần, tổ sẽ tổ chức giao ban ở 1 hộ khác nhau để họ thấy có trách nhiệm hơn, nhất là việc phát triển kinh tế và vệ sinh môi trường của chính gia đình mình. Việc kiểm tra thực hiện những mục tiêu chung được liên tục kiểm tra, đôn đốc.

Cùng với phát triển hạ tầng, làm sạch môi trường sống, thì phát triển nghề phụ để nâng cao thu nhập cho người dân đã được thực hiện khá hiệu quả ở thôn Văn Châu. Hiện nay, trong xã có hơn 30 gia đình và 1 công ty đang sản xuất bánh đa nem và bánh đa vừng, hàng trăm lao động có việc làm ổn định. Phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây có giá trị kinh tế cao được phát động sâu rộng. Hiện trong thôn đã phát triển được 10 vườn mẫu theo tiêu chí của thôn, bản NTMKM. Những vườn bưởi, vườn xoài, mít Thái rồi thanh long đang mơn mởn phát triển, nhiều vườn đã bắt đầu cho thu hoạch. Trong thôn còn có riêng HTX sản xuất và chế biến nông sản Văn Châu. Sản xuất nông nghiệp được phát triển theo hướng liên kết để tiêu thụ sản phẩm.

Được công nhận đạt chuẩn thôn NTMKM cách đây chưa lâu, Nhân dân thôn Văn Châu tiếp tục ủng hộ cuộc vận động trồng bầu mướp, giàn thiên lý, các loại hoa dây leo trên hệ thống tường bao. Đây chính là cách “kinh tế hóa hàng rào”, “phủ xanh bê tông”, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa phát triển kinh tế mà người dân trong thôn đang hướng tới. Với những diện mạo mới, Văn Châu đang trở thành “vùng quê đáng sống” của hơn 500 nhân khẩu, 105 gia đình mà Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang hướng đến.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/xay-dung-thon-nong-thon-moi-kieu-mau-nbsp-than-toc-nhung-hieu-qua/125208.htm