Xây dựng thỏa ước lao động tập thể: Vẫn nhiều khó khăn

Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn, thúc đẩy việc nâng cao trách nhiệm các bên trong thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời, hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, đình công tại các đơn vị, doanh nghiệp. Do vậy, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể luôn được các cấp công đoàn thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ cốt lõi bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn…

Nâng cao quyền lợi người lao động

Chị Lê Thị Hà, công nhân Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (Khu công nghiệp Sài Đồng) chia sẻ, qua việc ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, người lao động được hưởng nhiều lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật, nhất là về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi; lương, thưởng. Cùng với đó là được đào tạo chuyên môn, cải thiện điều kiện làm việc; chế độ ăn ca, bồi dưỡng sức khỏe; được trợ cấp khó khăn đột xuất, phương tiện đi lại…

Người lao động ở Công ty TNHH Linh kiện điện Sei (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) được bảo vệ quyền lợi thông qua việc ký thỏa ước lao động tập thể.

Tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), Chủ tịch Công đoàn Công ty Phan Thanh Hải khẳng định, người lao động rất yên tâm làm việc vì đã được tổ chức công đoàn cùng doanh nghiệp chăm lo. Nổi bật là thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa tập thể người lao động do công đoàn làm đại diện và đại diện người sử dụng lao động đã mang lại quyền lợi cho công nhân cao hơn quy định của luật.

Từ năm 2018, người lao động được nghỉ thêm 1 ngày mỗi tuần nhưng mức lương vẫn giữ như cũ. Công đoàn đã thuyết phục chủ doanh nghiệp rằng, thêm ngày nghỉ thì công nhân được tăng cường sức khỏe, từ đó làm việc tốt hơn, dẫn đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tăng, sản phẩm lỗi giảm, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ tăng.

Thực tế cho thấy, thỏa ước lao động tập thể làm lợi cho công nhân lao động, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Đây là nguyên nhân chính giúp nhiều doanh nghiệp phát triển ổn định, người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, đời sống được bảo đảm.

Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho biết, thời gian qua, Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tập trung đẩy mạnh công tác thương lượng, ký kết, tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể và tiến hành phân loại, chấm điểm, đánh giá nhằm từng bước nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể.

Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở nhằm nâng cao kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; giao chỉ tiêu cụ thể cho công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng, ký kết thỏa ước mới.

Liên đoàn Lao động thành phố cũng thường xuyên cập nhật, tham khảo các bản thỏa ước lao động tập thể có nội dung mới, hiệu quả cao để hướng dẫn công đoàn cơ sở sửa đổi, bổ sung, ký kết thỏa ước mới với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động.

Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ, thiếu thiện chí trong xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, năm 2019, Liên đoàn Lao động thành phố phấn đấu có 75% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký được thỏa ước lao động tập thể, với ít nhất 45% đạt loại B trở lên.

Nhưng đến nay, thành phố mới nhận được 27 bản thỏa ước được chấm loại A, 30 bản thỏa ước được chấm loại B trong 307 bản thỏa ước còn hạn đã được chấm điểm. Toàn thành phố có 5.140 doanh nghiệp, cơ quan có công đoàn cơ sở, đến tháng 7-2019 mới chỉ có 961 thỏa ước lao động tập thể nộp về thành phố; trong đó, 400 bản thỏa ước đã hết hạn...

Từ thực tế nhiều năm nỗ lực vận động xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng cho rằng, công tác thương lượng, đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể chưa đạt kết quả như mong muốn. Tình trạng này khá phổ biến trên toàn thành phố.

Không chỉ số lượng được ký kết ít, mà còn nhiều bản thỏa ước tuy dài nhưng thực chất không điều khoản nào thực sự có lợi cho người lao động. Những điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, lương, thưởng… không được đưa vào thỏa ước.

“Đặc biệt, nhiều bản thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn, nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Điều này có nguyên nhân từ đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở còn thiếu kiến thức về pháp luật lao động; kỹ năng tuyên truyền, vận động, năng lực đàm phán, thương lượng còn yếu, không tương xứng với trình độ của người sử dụng lao động…”, bà Phan Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng, các cấp công đoàn cần tập trung hướng dẫn, tổ chức thương lượng, ký kết, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động các quy định liên quan đến thực hiện thỏa ước lao động tập thể; cần nhanh chóng trang bị kỹ năng thương lượng, đàm phán ký kết thỏa ước lao động tập thể cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Xây dựng và thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể chính là thực hiện nhiệm vụ cốt lõi bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, giúp tổ chức công đoàn khẳng định được vị trí của mình.

Linh Chi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/944976/xay-dung-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-van-nhieu-kho-khan