Xây dựng 'thế trận lòng dân' qua mô hình quân dân y kết hợp

Dự án quân dân y (QDY) kết hợp là một trong 8 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau 5 năm triển khai thực hiện (từ năm 2016 đến nay), dự án đã mang lại những tác động tích cực, góp phần bảo đảm y tế cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe bộ đội, nhân dân.

 Đoàn công tác Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách hai xã Vô Tranh và Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Đoàn công tác Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách hai xã Vô Tranh và Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Đa dạng các mô hình

Được thành lập vào năm 2016, trên cơ sở kết hợp Bệnh viện Đa khoa Bạch Long Vĩ và Bệnh xá Tiểu đoàn phòng thủ đảo, Trung tâm Y tế QDY huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng) vừa bảo đảm công tác y tế dự phòng, vừa thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị, khám, chữa bệnh cho cư dân trên đảo cũng như ngư dân tham gia khai thác thủy sản trên ngư trường quanh đảo. Theo TS Phan Huy Thục, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng: Những năm qua, trung tâm đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, qua đó từng bước nâng cao năng lực khám, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Đến nay, đơn vị đã làm chủ, triển khai thành công nhiều kỹ thuật như: Kỹ thuật gây mê, gây tê tủy sống, gây tê đám rối; kỹ thuật tháo lồng bằng hơi cho trẻ em bị lồng ruột; triển khai các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, test nhanh HIV, viêm gan B, C; hệ thống Telemedicine (hỗ trợ y tế từ xa)... Trong 5 năm, trung tâm đã khám cho hơn 30.000 lượt bệnh nhân, tổ chức cấp cứu 45 ca, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng và khó đối với lực lượng y tế tại huyện đảo.

Trung tâm Y tế QDY huyện đảo Bạch Long Vỹ là một trong những ví dụ tiêu biểu cho mô hình cơ sở khám, chữa bệnh QDY đang được triển khai khắp các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là tại biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm quốc phòng và an ninh, khu kinh tế chậm phát triển. Tại Hội nghị tổng kết Dự án QDY kết hợp giai đoạn 2016-2020, Ths Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Y tế quốc phòng, Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: 5 năm qua, Dự án QDY kết hợp đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho hơn 30 cơ sở khám, chữa bệnh QDY khu vực biên giới, hải đảo với kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Mô hình hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên cũng được phát huy hiệu quả, có thể kể đến như sự phối hợp giữa Bệnh viện Quân y 105 (Tổng cục Hậu cần) với Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) về hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, hay việc Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng quân y Quân chủng Hải quân...

Thông qua dự án, Ban QDY các cấp, từ Trung ương tới các quân khu và địa phương được kiện toàn, làm tốt chức năng, nhiệm vụ. Theo đó, Ban QDY các cấp đã chỉ đạo tổ chức hàng trăm phân đội quân y, QDY cơ động theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp, sẵn sàng phản ứng nhanh, tham gia khắc phục, giảm nhẹ tổn thất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Hỗ trợ xây dựng kế hoạch tập huấn, nâng cao chất lượng đơn vị dự bị động viên ngành y tế, sẵn sàng động viên. Thực hiện công tác dân vận, các hoạt động nhân đạo, thông qua hoạt động khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đồng bào nơi biên giới, hải đảo, các khu vực trọng điểm quốc phòng, an ninh, khu kinh tế chậm phát triển...

Bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) khám bệnh cho người dân hai xã Vô Tranh và Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Góp phần củng cố "thế trận lòng dân"

Với mục tiêu “Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”, Dự án QDY kết hợp đem cơ hội được hưởng các chế độ chăm sóc sức khỏe tới những nơi tận cùng của Tổ quốc. Do bị cản trở về địa hình, địa lý, nên công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, khả năng đáp ứng của ngành y tế khu vực biên giới, hải đảo còn hạn chế, nhiều cơ sở khám và điều trị xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không đồng bộ. Một số đơn vị quân đội phải trích từ nguồn kinh phí, nên việc bảo đảm thuốc chữa bệnh ngày càng hạn chế, trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân không ngừng tăng lên.

Giai đoạn 2016-2020, một loạt văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, an ninh được ban hành như: Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) năm 2019; Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã ảnh hưởng lớn đến chính sách, nhiệm vụ kết hợp QDY của các đơn vị. Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám chữa bệnh ra đời đã tác động tới hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở. Trong giai đoạn chuyển đổi sang khám, chữa bệnh theo bảo hiểm, nhiều cán bộ quân y, y sĩ các đồn biên phòng chưa có chứng chỉ hành nghề, do đó gây hạn chế về pháp lý trong việc khám bệnh, kê đơn và thanh toán.

Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, đường truyền internet thiếu và yếu nên việc áp dụng những kỹ thuật khám, chữa bệnh mới không kịp thời. Một số nơi thiếu điện hoặc điều kiện khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm và độ mặn cao, nên máy móc, trang thiết bị nhanh hư hỏng, tuổi thọ ngắn. Đặc biệt, lực lượng QDY còn mỏng ảnh hưởng không nhỏ đến những nhiệm vụ có tính cấp thiết như cấp cứu tại chỗ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả của thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh.

Trao đổi với chúng tôi sau ca cấp cứu ngư dân đa vết thương khi tham gia đánh bắt trên biển, bác sĩ Phạm Văn Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y tế QDY huyện đảo Bạch Long Vĩ chia sẻ: “Tất cả các y sĩ, bác sĩ trên đảo xác định nhiệm vụ khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu đặc biệt quan trọng. Mặc dù lực lượng QDY còn mỏng, nhưng chúng tôi đều nỗ lực tự học, nâng cao trình độ, tay nghề. Đối với các trường hợp bị nạn trên biển, khi được chuyển đến trung tâm trong trường hợp mất máu nhiều, tàu không kịp chuyển máu từ bệnh viện thành phố ra đảo, lực lượng trực cấp cứu sẵn sàng thực hiện cho máu ngay trong đêm, phẫu thuật kịp thời. Chúng tôi luôn coi bệnh nhân như những người thân ruột thịt, chăm sóc sức khỏe cho bà con ngư dân giúp họ yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”.

Những y sĩ, bác sĩ QDY cũng chính là những chiến sĩ bám địa bàn, bám dân, thông thạo đường đi lối lại. Không phải nhiệm vụ khám, chữa bệnh nào cũng được thực hiện tại cơ sở y tế, mà họ thường xuyên phải cơ động cấp cứu tại hiện trường, băng rừng, vượt suối, cõng theo những máy móc, trang thiết bị hỗ trợ sơ cấp cứu người bị nạn. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn của anh em QDY trong quá trình làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua ở miền Trung, Đại tá, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Quân y Quân khu 4 cho biết: “Quân khu 4 đã huy động tối đa lực lượng QDY của 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và hơn 50 lượt tổ quân y của hai bệnh viện, đội y học dự phòng của quân khu. Suốt thời gian dài, anh em không nghỉ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm”.

Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, nhân viên QDY đã góp phần giúp các đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng "thế trận lòng dân", bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia. Có thể khẳng định rằng, Dự án QDY kết hợp bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả, đã gắn kết tình quân dân thêm bền chặt; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc...

Bài và ảnh: LAN PHƯƠNG - ĐÌNH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-the-tran-long-dan-qua-mo-hinh-quan-dan-y-ket-hop-645567