Xây dựng thế trận hậu cần trong thời bình, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của chiến tranh (*)

Sáng 11-7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội (11-7-1950 / 11-7-2020). Báo Quân đội nhân dân Online trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Quốc phòng (BQP), ngành Hậu cần Quân đội (HCQĐ) luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng, góp phần xây dựng quân đội hùng mạnh; đã lập được nhiều chiến công vẻ vang, thành tích xuất sắc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Ngay trong những năm kháng chiến gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta từng căn dặn: “Nếu bộ đội không được bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe thì dù có quyết tâm đến mấy, tổ chức kỷ luật thế nào cũng không thể có đủ sức lực để hoạt động, để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng”. Khắc ghi lời dạy sâu sắc của Người, nhận thức rõ trách nhiệm “toàn tâm, toàn lực phục vụ bộ đội”, các thế hệ cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, nhân viên ngành HCQĐ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, phục vụ kịp thời, hiệu quả để quân đội ta chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả vì bộ đội, hết lòng yêu thương bộ đội” luôn là truyền thống và ý chí hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần chúng ta.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng nhân dân cả nước đồng lòng “nuôi quân đánh giặc”, ngành HCQĐ đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với dân công hỏa tuyến và các lực lượng khác để bảo đảm hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu trên các chiến trường. Hình ảnh hào hùng “dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” đã thể hiện những nỗ lực đem hết sức người, sức của của toàn quân, toàn dân ta ra mặt trận, bảo đảm cho bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”. Thắng lợi của Chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ và đóng góp quan trọng của lực lượng hậu cần của ta. Qua 9 năm trường kỳ kháng chiến đã khẳng định quân đội Pháp không chỉ thất bại trước ý chí, khát vọng giành tự do, độc lập của dân tộc ta, trước sức mạnh và trình độ tác chiến của quân đội mà còn thất bại trước sự đảm bảo hậu cần to lớn trong chiến đấu của quân và dân ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành HCQĐ đã được xây dựng, phát triển nhanh chóng, trưởng thành vững chắc trên cả hậu phương lớn miền Bắc và chiến trường miền Nam; kết nối hậu phương với tiền tuyến, nối liền hậu phương quốc gia với nguồn chi viện quốc tế, tạo nên thế trận hậu cần hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu chiến đấu của bộ đội ta. Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bộ đội hậu cần đã sát cánh với các lực lượng bộ đội khác, thiết lập một mạng lưới hậu cần rộng khắp, vươn sâu các hướng trên mọi chiến trường, đặc biệt trên 2 tuyến đường vận tải chiến lược là đường mòn Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh trên biển, bảo đảm yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô ngày càng lớn của bộ đội trong các chiến dịch của cuộc tổng tiến công chiến lược ở miền Nam cũng như trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thế trận đó làm cho địch phải huy động đến mức cao nhất sức mạnh quân sự và khoa học công nghệ cũng không thể nào ngăn chặn, chia cắt được nguồn hậu cần của quân đội ta. Việc bảo đảm chi viện liên tục, đầy đủ, kịp thời về hậu cần cho bộ đội đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, đất nước.

Trải qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần, từ cơ quan tham mưu, chỉ huy đến cơ sở, từ nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đến các tuyến đường vận tải, từ hậu phương đến mặt trận… đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và hiệp đồng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Trong kháng chiến, bộ đội hậu cần thường xuyên phải đối mặt với bom đạn, với sự đánh phá hủy diệt của quân thù. Hàng vạn những người lính hậu cần như lái xe, nuôi quân, y bác sĩ, thợ sửa chữa, thủ kho… đã trực tiếp cầm súng chiến đấu kiên cường, chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh để bảo vệ thương binh, bệnh binh, bảo vệ kho hàng, phương tiện, tuyến ống xăng dầu… Tất cả vì tiền tuyến, vì bộ đội ở phía trước.

Bước sang thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành HCQĐ đã có những điều chỉnh về tổ chức và lực lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; tiếp tục phát huy thế trận hậu cần nhân dân gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, ngành HCQĐ đã không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương thức bảo đảm vật chất hậu cần cho bộ đội phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với nhiều loại hình bảo đảm đa dạng, phong phú; nhiều loại hình đơn vị mới, trang bị hiện đại; thay đổi từ bảo đảm chủ yếu bằng vật chất sang bảo đảm cơ bản bằng tiền, gắn với quy chế mua sắm, tạo nguồn chặt chẽ. Một thế trận hậu cần mới trong thời bình được hình thành, củng cố vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đặc biệt trên lĩnh vực y tế, BQP và Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã chỉ đạo lực lượng quân y phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình kết hợp quân - dân y, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân; tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hậu cần, quân y, nhất là với quân đội Lào và Campuchia. Trong những tháng đầu năm 2020 vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TCHC đã kịp thời tham mưu cho QUTƯ, BQP chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống hiệu quả, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào các đơn vị quân đội; lực lượng quân y đã nỗ lực chung tay cùng toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, khống chế thành công dịch bệnh, tiếp tục làm ngời sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan sáng kiến ngành hậu cần quân đội. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam anh hùng, ngành HCQĐ luôn nỗ vực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp to lớn của bộ đội hậu cần, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ngành nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, 5 Huân chương Hồ Chí Minh và hôm nay các đồng chí đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích, những chiến công xuất sắc của ngành HCQĐ trong 70 năm qua.

Nhân dịp này, tôi trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, cùng toàn thể tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành HCQĐ qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của quân đội ngày càng nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang; cùng với nhiệm vụ SSCĐ, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quân đội ta còn có nhiệm vụ tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Để phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ mới của quân đội ta nói chung và ngành HCQĐ nói riêng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và QUTƯ, tôi đề nghị toàn thể cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, nhân viên ngành HCQĐ thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối chính trị, quân sự của Đảng; nhất là đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân được thể hiện trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược quốc phòng Việt Nam, Chiến lược quân sự Việt Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho SSCĐ và chiến đấu của quân đội ta trong mọi tình huống.

Hai là: Bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, ngành HCQĐ cần tiếp tục đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần cho quân đội trong tình hình mới; xây dựng ngành chính quy hiện đại, hoàn thiện hệ thống hậu cần toàn quân ở cả ba cấp: Chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; xây dựng thế trận hậu cần nhân dân hiệu quả, vững chắc.

Phương án bảo đảm hậu cần phải phù hợp với thế bố trí chiến lược quốc phòng toàn dân và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nghiên cứu, rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần cho SSCĐ của từng cấp, từng khu vực phòng thủ nhằm kịp thời ứng phó với mọi tình huống, khả năng chiến tranh có thể xảy ra. Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch; xây dựng các giải pháp bảo vệ tiềm lực hậu cần và cách thức tổ chức hậu cần liên tục, kịp thời để bảo đảm cho bộ đội sẵn sàng tác chiến trong điều kiện chiến tranh đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao, không để bị động, bất ngờ.

Thực hiện kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị, phương tiện của hệ thống hậu cần các cấp theo hướng “tinh, gọn, mạnh” phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ điều chỉnh tổ chức và lực lượng trong toàn quân theo đúng chỉ đạo của QUTƯ, quy định của BQP. Tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong xây dựng tiềm lực hậu cần vững mạnh; kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, giữa hậu cần Trung ương với hậu cần địa phương.

Tích cực chủ động nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị, vũ khí, phương tiện, vật chất hậu cần đáp ứng yêu cầu huấn luyện và chiến đấu của bộ đội trong tình hình mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ, nhất là những thành tựu, cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác hậu cần, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ba là: Không ngừng chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống cả về vật chất và tinh thần của bộ đội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế-xã hội nước ta đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu toàn diện to lớn; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, chúng ta càng phải quan tâm, chăm lo đời sống cho bộ đội, nhất là đối với những cán bộ, chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa, ở biên giới, hải đảo để bộ đội của chúng ta yên tâm công tác, SSCĐ. Ngành hậu cần phải coi đây là trọng tâm công tác chủ yếu, thường xuyên của ngành. Người cán bộ hậu cần phải thực sự thương yêu, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội, coi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị như anh em ruột thịt của mình, như lời dạy của Bác “Cán bộ cung cấp như là người mẹ, người chị của người binh nhì”.

Tiêu chuẩn chất lượng bữa ăn phải được nâng cao, bảo đảm đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và ngon. Sức khỏe của bộ đội phải được quan tâm, chăm lo thường xuyên, bảo đảm tỷ lệ quân số khỏe toàn quân. Đời sống tinh thần của bộ đội phải phong phú, lành mạnh, vui tươi, tạo động lực cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cho các đơn vị bộ đội ở cơ sở.

Bốn là: Tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên, chiến sĩ hậu cần. Ngành hậu cần của chúng ta tiếp nhận, sản xuất, quản lý và khối lượng vật chất, phương tiện, tài sản rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho để trực tiếp phân phối, bảo đảm cho bộ đội chiến đấu và sinh hoạt. Vì vậy, mỗi cán bộ, sĩ quan, nhân viên, chiến sĩ hậu cần phải gìn giữ, nêu cao tinh thần, đạo đức cách mạng trong sáng, thật sự “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, chấp hành nghiêm túc các chế độ, tiêu chuẩn quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản, tham nhũng và lãng phí.

Năm là: Tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy vững mạnh và phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể trong Quân đội. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và Phong trào Thi đua Quyết thắng toàn quân, phong trào thi đua “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy”, để tạo động lực mạnh mẽ cho mỗi cán bộ, sĩ quan, nhân viên, chiến sĩ trong ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của quân đội ta.

Để góp phần xây dựng QĐND Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, chặng đường phía trước của ngành HCQĐ còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ còn rất nặng nề. Với những thành tích, chiến công và truyền thống hào hùng trong 70 năm qua, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là QUTƯ, BQP, toàn thể cán bộ, tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ ngành HCQĐ sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành vẻ vang mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục lập được nhiều thành tích, chiến công mới.

Xin trân trọng cảm ơn!

(*) Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/xay-dung-the-tran-hau-can-trong-thoi-binh-san-sang-ung-pho-voi-moi-tinh-huong-cua-chien-tranh-626690